Tăng cường công tác quản lý kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn Hòn Hèo
Khánh Hòa có địa hình đa dạng với hơn 2/3 diện tích là đồi núi, phía Đông giáp biển, phía Tây tiếp cận với Tây Nguyên và dãy Trường Sơn, nên khí hậu rất biến đổi từ nhiệt đới ở vùng thấp đến á nhiệt đới ở vùng núi cao, điều này tạo nên sự phong phú về các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, trong đó có HST rừng ngập mặn (RNM).
Dưới ảnh hưởng của các tác động từ tự nhiên và con người, các HST ven biển đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực. Từ trước 1975, RNM Khánh Hòa phân bố rộng, với tổng diện tích trên 2.500 ha, chủ yếu ven các đầm: đầm Môn, đầm Nha Phu và đầm Thủy Triều. Tuy nhiên, từ những năm 1990, sự bùng phát nuôi trồng thủy sản đã tàn phá RNM, đến nay chỉ còn lại khoảng 100 ha với khả năng phục hồi thấp.
Do vậy, nghiên cứu quản lý bền vững RNM là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ, khôi phục và phát triển hệ thống đai rừng phòng hộ ven biển, sử dụng đất một cách hiệu quả, giúp cân bằng HST, tăng cường tính ổn định đối với sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ này được thực hiện nhằm mục tiêu chính là rà soát, đánh giá hiện trạng RNM tại khu vực bán đảo Hòn Hèo, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững RNM tại khu vực.
Đánh giá HST RNM Hòn Hèo
Bán đảo Hòn Hèo nằm ở phía Nam đầm Nha Phu thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, cách Nha Trang khoảng 50 km đường bộ. Là vùng núi hiểm trở với 3 mặt giáp biển (vịnh Vân Phong và đầm Nha Phu) và trên 60 km bờ biển thuộc các xã/phường Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Phú, một số đảo nhỏ gần bờ. Được thiên nhiên ưu đãi với sự gắn kết hài hòa giữa rừng và biển, bán đảo Hòn Hèo có nhiều phong cảnh hoang dã và những bãi biển xinh đẹp. Dân cư ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác hải sản.
Quần thể Bát nha (Osbornia octodonta)
Trước năm 1975, khu vực này có diện tích RNM trên 200 ha, cùng với nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú. Từ những năm 1990, cùng với sự phát triển của các dự án công nghiệp, nhiều diện tích RNM bị chặt phá để nuôi thủy hải sản, làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Đặc biệt, cơn bão Damry đổ bộ vào tháng 11/2017 đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn tỉnh Khánh Hòa cũng như tại bán đảo Hòn Hèo. Sự thiếu vắng các đai RNM phòng hộ ven biển đã khiến cho nhiều người dân trong khu vực phải lâm cảnh trắng tay. Điều này càng cho thấy, sự cần thiết phải phục hồi và phát triển bền vững RNM nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo kết quả khảo sát được tổng hợp từ 8 tuyến chính (tổng chiều dài 45 km) và 20 ô tiêu chuẩn (20 x 50 m), cùng với 100 ô tái sinh (2 x 2 m) đã ghi nhận 67 loài cây, trong đó có 20 loài cây ngập mặn thực sự và 47 loài cây tham gia RNM, hoặc mọc trên các bãi cát lẫn san hô và đá nổi. Biến động về mật độ giữa các ô tiêu chuẩn (OTC) khá lớn: Mật độ trung bình là 665 cây/ha; mật độ cao nhất là 1.170 cây/ha và thấp nhất là 270 cây/ha; có đến 60% số OTC (12 ô) mật độ dưới 700 cây/ha. Số loài cây trong OTC cũng rất ít, từ 2 – 10 loài/OTC. Phần lớn số cây đo đếm có đường kính nhỏ, trong đó 90,5% số cây (1.203 cây) ở cấp đường kính dưới 20 cm.
Các loài cây ngập mặn quan trọng gồm: bần trắng, bần chua, bát nha, đưng, đước đôi, mấm trắng, sú đỏ, vẹt dù, xu ổi… tuy nhiên các loài này thường có ít cá thể và phân bố co cụm. Chỉ có 3 loài cây phổ biến đó là mấm biển, cọc trắng và giá chiếm ưu thế trong tổ thành RNM (50% IVI); cùng với một số cây bụi và dây trườn như lức, sam biển, muống biển… Ngoài ra, cũng có nhiều ghi nhận mới về thành phần loài cây RNM đối với Khánh Hòa, như: bát nha, bằng phi, bình vôi Pierre, chùm lé, lâm bòng, tâm mộc tim, vẹt trụ… Đặc biệt là quần thể cây bát nha, loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (Nguy cấp – EN) phát hiện ở Khu du lịch Suối Hoa Lan – xã Ninh Phú.
Khả năng tái sinh tự nhiên nơi đây cũng rất kém, đã ghi nhận cây tái sinh của 19 loài cây gỗ RNM, với mật độ bình quân là 3.825 cây/ha. Phần lớn cây tái sinh có kích thước nhỏ (< 0,5 m), chiếm tỷ lệ: 73,2%; số lượng cây tái sinh triển vọng chiếm tỷ lệ: 26,8%. Các loài cây có tái sinh khá mạnh là mấm biển, cọc trắng, giá… có mật độ bình quân 10.000 cây/ha; nhưng đối với các loài cây ngập mặn quan trọng như bần trắng, mấm trắng, đước đôi, đưng, vẹt dù, xu ổi… có mật độ cây tái sinh rất thấp, khoảng 2.300 cây/ha.
Nhìn chung, RNM tại Hòn Hèo rất thưa với diện tích phân bố của toàn vùng chỉ còn 29,8 ha, trong đó có khoảng 12 ha đã giao cho các doanh nghiệp quản lý (các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng), nên RNM được bảo vệ tốt. Mặc dù RNM tại đây phân bố rải rác theo từng lô nhỏ (2-3 ha) nhưng tính đa dạng khá cao, đã ghi nhận và lập danh mục 67 loài cây. Đáng lưu ý là có đến 9 loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của IUCN.
Đặc biệt là các quần thể xu ổi, bát nha và bần chua có giá trị về mặt khoa học. Ngoài ra, giá trị sử dụng các loài cây RNM cũng rất hữu ích, nhiều loài là nguồn thực phẩm (bần chua, ráng đại, cúc tần, hương nhu tía, sâm biển…), nhiều loài cây thuốc, hoặc cung cấp tinh dầu (bình vôi Pierre, chùm lé, dứa dại, đa tử biển, từ bi biển…), nhiều loài cây cho tanin dùng nhuộm lưới, thuộc da (đước, vẹt, dà, cọc trắng, mấm biển…); các loài này cần được sử dụng hợp lý và bền vững.
Có thể khẳng định, khu vực bán đảo Hòn Hèo có giá trị cao về mặt cảnh quan tự nhiên ven biển, với các HST đặc thù, tính ĐDSH cao, nhất là có tiềm năng về du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, vì vậy vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững RNM mang ý nghĩa kinh tế – xã hội – môi trường rất quan trọng. Trong khi những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu, cùng với sự xâm nhập mặn đã tác động tiêu cực tới bán đảo Hòn Hèo, làm cho công tác bảo vệ và phát triển RNM trở nên cấp thiết hơn bao giờ.
Đề xuất một số giải pháp quản lý RNM ở bán đảo Hòn Hèo
Hiện nay, công tác quản lý RNM ở bán đảo Hòn Hèo thể hiện nhiều bất cập, RNM không nằm trong quy hoạch lâm nghiệp nên không phân cấp vai trò phòng hộ; một số diện tích RNM đang phục hồi nhưng không được sự quan tâm; mức độ phối hợp giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp và hộ dân về bảo vệ RNM còn rất hạn chế; công tác truyền thông về RNM chưa được chú trọng. Do đó, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan cần phải tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt đối với những diện tích RNM hiện có, kết hợp trồng bổ sung và phát triển diện tích RNM ở các bãi bồi và cửa sông.
Để phục hồi và phát triển bền vững RNM cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là của các doanh nghiệp, RNM sẽ là tiềm năng đối với các hoạt động du lịch sinh thái. Tại khu du lịch Suối Hoa Lan, đang xây dựng mô hình quản lý sử dụng bền vững và bảo tồn RNM gắn kết với du lịch sinh thái, mô hình này cần được đúc kết và nhân rộng trong khu vực.
Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền,vận động người dân trong khu vực để nâng cao nhận thức về RNM, cùng chung tay bảo vệ và gây trồng các đai RNM kết hợp với nuôi trồng hải sản.