Tỏi rừng Hòn Bà (Aspidistra truongii) – Một loài thực vật mới được phát hiện ở Khánh Hòa

Tỏi rừng Hòn Bà (Aspidistra truongii) – Một loài thực vật mới được phát hiện ở Khánh Hòa

18/06/2013
Ngày 12 tháng 5 năm 2011, trong một đợt điều tra khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tài nguyên rừng KBTTN Hòn Bà, TS. Lưu Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh Thái học Miền Nam, Viện Hàn lâm KHCNVN  phối hợp với TS. Jacinto Regalado, Vườn thực vật Missouri, USA và ông Trần Giỏi, Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa đã phát hiện và thu mẫu một loài cây thân thảo thuộc họ Măng Tây (Asparagaceae).

 

Sau khi mô tả và phân tích những đặc điểm hình thái đặc biệt của loài này TS. Trường đã gửi kết quả cho GS.TSKH. Leonid V. Averyanov (Viện Hàn lâm Khoa học Nga). Kết quả cho thấy đây là một loài thực vật mới, và  được GS.TSKH. Leonid V. Averyanov và TS. Hans-Juergen Tillich (Đức) công bố là loài mới trên thế giới, lấy tên của TS. Lưu Hồng Trường, người có công phát hiện và mô tả đầu tiên, để đặt tên cho loài mới này là Aspidistra truongii. Phát hiện mới có ý nghĩa khoa học nói trên đã được đăng tải trên Tạp chí thực vật Taiwania (Đài Loan) số tháng 6/2013.

Hình thái bên ngoài của cây Tỏi rừng Hòn Bà – Aspidistra truongii (Ảnh: TS.Lưu Hồng Trường)

Danh pháp

Tên Việt Nam: Tỏi rừng Hòn Bà
Tên khoa học: Aspidistra truongii L.V. Averyanov & H-J. Tillich
Họ: Asparagaceae (Convallariaceae)

Hình thái thực vật

Địa thực vật có căn hành bò, phân nhánh. Lá mọc thẳng từ đất, cuống lá thẳng cứng, dài 30-40cm. Phiến lá hình elip hẹp, mọc uốn gần như ngang, dài khoảng 20cm, màu xanh đậm, láng.

Hoa đơn độc hoặc 2-3, mọc úp xuống gần mặt đất. Hoa lưỡng tính, bao hoa có màu nâu đỏ hoặc nâu tím, rộng 2-4 cm, với 6 thùy. Nhị hoa 6, bao phấn không cuống, màu vàng. Nhụy hoa dạng nấm, màu trắng, nuốm có 3 thùy. Quả hình cầu, màu nâu đen, đường kính gần 2cm, trên bề mặt có gai xù xì. Mùa ra hoa: tháng 4-6.

Hoa có màu nâu tối của Aspidistra truongii (Ảnh: TS.Lưu Hồng Trường)

Hình thái ngoài của quả Aspidistra truongii (Ảnh: TS.Lưu Hồng Trường)

Các công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy Việt Nam được xem là một khu vực trung tâm của các loài thuộc chi Tỏi rừng (Aspidistra Ker-Gawl.), thể hiện rõ nét về tính đa dạng và hình thành loài mới (Averyanov, Tillich, 2012).

Chi thực vật Aspidistra – bắt nguồn từ chữ Latin: aspis dạng hình khiên, là tính chất hình thái đặc trưng của hoa trong chi này-thuộc họ Măng tây (Asparagaceae). Trong hệ thống thực vật Việt Nam họ này mới được tách ra từ họ Loa kèn (Liliaceae), gồm có trên 90 loài phân bố chủ yếu ở trên vùng rừng kín núi cao ẩm, thường xanh của Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Việt Nam,…

Theo GS. Phạm Hoàng Hộ (1999) chi này có một loài (Aspidistra typica Baill.) phân bố ở Quảng Ninh. Nhưng đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận khoảng 30 loài, riêng trong năm vừa qua đã có hơn 15 loài và thứ (varietas) của chi này được công bố là loài mới trên thế giới (new species). Hầu hết các loài có kiểu lá đẹp và được quan tâm vì có tiềm năng làm cây cảnh. Các loài cây trong chi Aspidistra – chi tỏi rừng – được biết đến trong danh lục cây thuốc Việt Nam, được sử dụng rất tốt, có vị cay, đắng, có tính ấm, tác dụng trừ ho, thanh nhiệt giải độc,… thân rễ của cây được dùng trong dân gian chữa trị lỵ, sốt rét, phong thấp tê đau, thận hư lưng gối đau, đòn ngã tổn thương, gãy xương, rắn độc cắn.

Sinh thái – phân bố

Phân bố chủ yếu trong rừng nguyên sinh kín thường xanh, ẩm cây lá rộng (hoặc có hỗn giao với cây lá kim) trên núi cao trung bình khoảng 1.500m gần đỉnh Hòn Bà. Cây phát triển trên đất mùn đen giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Thực bì dưới tán rừng khá dày rậm.

Tình trạng bảo tồn

Tại khu vực phân bố ở đỉnh Hòn Bà, loài Tỏi rừng Hòn Bà mọc thành quần thể nhỏ. Là một loài thực vật dưới tán rừng chịu bóng nên Tỏi rừng Hòn Bà hoàn toàn “phụ thuộc vào môi trường sống nguyên vẹn”, có thể bị tuyệt chủng rất nhanh một khi tầng trên của rừng, cây gỗ lớn bị gẫy đổ do khai thác hay thiên tai, lúc đó tán rừng bị phá hủy. Cần kiến nghị đưa loài mới này vào danh sách nhóm loài quí hiếm cần khoanh vùng bảo vệ. Hiện nay, loài này đang được trồng thử nghiệm tại Viện Sinh thái học Miền Nam và nhóm nghiên cứu từ Vườn Thực vật Praha (Cộng hòa Séc) cũng đã lấy mẫu loài này về trồng tại châu Âu.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học tại Khánh Hòa về đa dạng sinh học và tài nguyên rừng cả trên cạn và dưới biển. Phát hiện mới này của TS. Lưu Hồng Trường góp phần cho thấy rừng Khánh Hòa có nhiều tiềm năng đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên việc điều tra nghiên cứu vẫn còn rất hạn chế, các khu rừng trên núi cao như Hòn Vọng Phu, Hòn Bà vẫn còn tiềm ẩn nhiều giá trị cần được tiếp tục điều tra khám phá trong thời gian tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *