ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI THÁP BÀ PONAGAR
Tháp Bà Ponagar ở trên đồi Cù Lao, độ cao khoảng 20m (so với mực nước biển), có diện tích 1,7ha, thuộc phường Vĩnh Phước, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc.
Nơi đây là quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo của Vương quốc Champa cổ, được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII. Là di tích tôn giáo, thờ Nữ thần Ponagar của dân tộc Chăm, người Việt tôn sùng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử-văn hóa, Tháp Bà Ponagar đã được xếp hạng “Di tích cấp Quốc gia” năm 1979.
Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Nha Trang đều muốn được viếng Tháp Bà, để được chiêm ngưỡng khu di tích đặc sắc này, được thưởng thức các điệu múa đặc trưng của người Chăm, đồng thời tận hưởng cảnh quan tuyệt vời dọc theo sông Cái, đến cửa biển Cù Huân và một phần vịnh Nha Trang.
Ngoài ra, điều bất ngờ trước mắt du khách đó là nhiều cây cổ thụ có độ tuổi và kích thước rất lớn, xứng đáng được đề xuất là Cây Di sản (các cây Mun, Cóc chuột, Cà diên, Trôm mủ), vẫn còn hiện diện, trãi qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử tại đây. Trong đó, cây Mun (có đường kính 1m và khoảng trên 500 tuổi) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam (2016).
Theo kết quả khảo sát của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa (KACNE) đã ghi nhận 37 loài cây ở xung quanh Tháp Bà, gồm hơn 100 cá thể, trong đó phần lớn là các loài cây rừng bản địa và có thêm vài loài cây giá trị cao được trồng mới (Dó bầu, Sưa, …). Cùng với những loài cây phổ biến như: Bàng, Phi lao, Phượng, Đa lâm vồ, Me, Duối nhám, Găng néo, Trâm bầu, …; bên cạnh một số loài cây dùng làm dược liệu: Mã tiền (Strychnos nux-vomica), Cui biển (Heritiera littoralis), Trôm mủ (Sterculia foetida), Xưng da (Siphonodon celastrineus), …
Đáng lưu ý là 4 loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ của thế giới (IUCN): Cà diên (Karomia fragrans), Mun (Diospyros mun), Tuế lược (Cycas pectinata), Xưng da (Siphonodon celastrineus). Trong đó, cây Cà diên là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Ngoài ra, cây Quăng lông (Alangium salviifolium) và Sếu đỏ (Celtis philippensis) cũng là 2 loài cây gỗ hiếm, đặc trưng ở khu vực Nam Trung bộ.
Đặc biệt là gần tòa Tháp chính có một cây Thị lâu năm, từ gốc lên đến gần 3m thân cây đã bị mục bọng từ lâu, nhưng điều kỳ diệu là dù chỉ còn một phần vỏ thân với lớp gỗ mỏng bên trong, cây vẫn sống và ra hoa, kết quả hàng năm. Cây luôn được sự chăm sóc tốt và hỗ trợ bởi một trụ chống bên cạnh. Cây Thị này đã thu hút sự quan tâm cùng với sự hiếu kỳ của nhiều du khách khi đến Tháp Bà.
Những loài cây cổ thụ tại Tháp Bà đã làm tăng giá trị về cảnh quan thiên nhiên, thể hiện tiềm năng về đa dạng sinh học nơi đây, đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với khách tham quan.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử của Tháp Bà Ponagar luôn cần được sự quan tâm đúng mức của toàn xã hội, đồng thời gắn liền với bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các nguồn gen quý hiếm tại đây./.
Trần Giỏi & Thanh An
Hội Bảo vệ Thiên nhiên & MT. Khánh Hòa
Tháng 10/2022
HÌNH ẢNH