TỔNG QUAN VỀ CÂY DI SẢN
1.Phong trào Cây di sản trên thế giới:
Những cây thân gỗ có giá trị đặc biệt đã được nhiều nước trên thế giới công nhận là “Cây di sản” (Heritage Trees), được pháp luật cũng như cộng đồng chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.
Cây di sản dùng để chỉ một cá thể cây gỗ (Tree) với kích thước lớn (cổ thụ), có giá trị đặc biệt, được cho là không thể thay thế. Các tiêu chí quan trọng để xác định Cây di sản là: tuổi tác, mức độ quý hiếm, kích thước lớn, kèm theo các giá trị về mặt thẩm mỹ, lịch sử, đặc điểm về thực vật học và sinh thái; các tiêu chí này có thể được thay đổi tùy theo từng vùng miền. Pháp lệnh về Cây di sản được quốc tế hóa, xây dựng theo định hướng là một cây có đặc trưng cụ thể, không bao gồm một rừng cây hoặc một quần thể.
Tại Mỹ, chương trình Cây di sản Quốc gia được bảo trợ đầu tiên từ năm 1995, bắt đầu tại bang Oregon với Cây di sản được chọn là cây Sitka Spruce (Picea sitchensis) có kích thước khổng lồ (cao đến 60m, đường kính thân 5m, khoảng 450 tuổi). Ở bang Iowa, đã thành lập Bảo tàng Cây di sản sống, trồng và bảo tồn nguồn gen của các loài cây gỗ nổi tiếng. Ở bang Washington, đã chọn nhiều Cây di sản dựa vào các giá trị về lịch sử, mức độ quý hiếm, các loài cây rừng đặc biệt,… Tại bang California, Cây di sản nổi bật nhát là cây Cù tùng (Sequoia sempervirens) khoảng 2.400 tuổi, có chiều cao khoảng 90m và D: 6,3m, do gốc cây bị bọng nên được khoét thành đường đủ rộng cho xe ô tô chạy xuyên qua.
Tại Anh quốc, Cây di sản rất nổi tiếng được nhiều khách tham quan, đó là cây Sồi (Heritage English Oak – Quercus virginiana) khoảng 400 tuổi. Cây di sản độc đáo tại Ấn Độ, đó là cây Bao báp (Adansonia digitata) đến 600 tuổi.
Đối với Singapore, đã ban hành Luật bảo vệ Cây di sản và được thông qua ngày 17/8/2001. Cây di sản không chỉ là cây mọc trong các Khu bảo tồn thiên nhiên hay Vườn quốc gia mà bất cứ mọc ở đâu: đô thị hay nông thôn, ven đường hay trong vườn, sở hữu công hay của tư nhân. Cây được xét duyệt cần đáp ứng đủ các tiêu chí về hình dạng bên ngoài, chiều cao, đường kính thân cây, các giá trị của cây về giáo dục, lịch sử và xã hội. Không có tiêu chuẩn nào yêu cầu rằng cây phải là loài thực vật quý hiếm hay thực vật đặc trưng cho một hệ sinh thái nào đó. Các cây cổ thụ sau khi được xếp vào Danh mục Cây di sản sẽ được bảo vệ và chăm sóc bởi một quỹ đặc biệt có tên là “Quỹ Cây di sản”
Ngoài ra, tại nhiều nước khác như Trung Quốc, Thailand, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand,…cũng đã tiến hành bảo vệ Cây di sản như một loài danh mộc cổ thụ của đất nước. Bên cạnh các giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, Cây di sản cũng được rất nhiều du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
2.Tình hình Cây di sản tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường (VACNE) là tổ chức xã hội đi tiên phong trong việc bảo vệ những cây quý hiếm, trong đó vai trò của cộng đồng quyết định đến sự thành công trong việc bảo vệ và chăm sóc những cây này.
Sự kiện “Bảo tồn Cây di sản Việt Nam” đã được VACNE chính thức phát động vào ngày 18/3/2010. Mục đích chương trình này nhằm lựa chọn và vinh danh những Cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam rộng rãi trong nước và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học…
Tính đến nay, VACNE đã tiến hành công nhận trên 2.500 Cây Di sản Việt Nam, thuộc 80 loài, cho 45 tỉnh, thành trong cả nước. Trong số đó, có rất nhiều cây cổ thụ nổi bật như: cây Táu ở Việt Trì, Phú Thọ khoảng 2.200 tuổi; cây Chò ở Cúc Phương – Ninh Bình trên 1.000 tuổi; cây Nghiến ở Bắc Hà – Lào Cai khoảng 1.000 năm tuổi, chu vi thân 9,6m và chiều cao 45m; cây Đa Tân Trào; cây Dã hương (Long não)1.000 tuổi ở Lạng Giang – Bắc Giang; cây Thị 1.000 tuối ở phường Ngọc Xuyên Đồ Sơn; cây Sa mu dầu ở VQG Pù Mát – Nghệ An cao 73m đường kính 5,5m;cây Tùng ở DakLak; cây Bồ đề ở Phú Yên, cây Pơ mu Tây Giang – Quảng Nam 1.500 tuổi, cây Sao đen Đình Trung Dũng – Khánh Hòa 600 tuổi,…
Một số kỷ lục: Cây đơn thân cao nhất và to nhất: Cây Sa mu VQG Pù Mát cao 73 mét, đường kính 5,5 mét; Cây rễ phụ có chu vi lớn nhất: Cây Đa Đền Thượng Lào Cai 45 mét; Cây nằm ở độ cao nhất: Cây Đỗ Quyên cành thô VQG Hoàng Liên, 2.700 mét,…
Ngoài ra, VACNE đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về Cây di sản Việt Nam – tập 1, 2015 (VietNam Heritage Tree) nhằm giới thiệu các nét đặc sắc và phong phú về Cây di sản trên khắp vùng miền của cả nước.
Theo quan điểm trước đây, Cây di sản dùng để chỉ một cá thể cây gỗ đáp ứng đầy đủ với các tiêu chí định sẵn. Tuy nhiên, gấn đây khái niệm Cây di sản đã được mở rộng và đã có các quần thể Cây di sản được công nhận, như là quần thể Pơ mu tại xã Axan và Tr’Hy (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Quần thể này gồm 725 cây Pơ mu, là loài cây gỗ quý hiếm (SĐVN, EN), đã được cộng đồng người Cơ Tu ra sức bảo vệ qua nhiều thế kỷ, đây là cánh rừng di sản độc nhất vô nhị phía Nam dãy Trường Sơn.
Việc vinh danh Cây di sản đang làm hồi sinh các cây cổ thụ, đánh thức tinh thần dân tộc và ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng dân cư, cùng nhau gìn giữ các Di sản mà cha ông ta đã để lại. Đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền cùng với cộng đồng địa phương, cùng phối hợp các hoạt động bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
KẾT QUẢ ĐỀ XUẤT VÀ CÔNG NHẬN CÂY DI SẢN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
1. Khảo sát và đề xuất Cây di sản tại Khánh Hòa
Công việc khảo sát và tuyển chọn Cây Di sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được thực hiện từ năm 2016, tại 8 huyện/ thị xã/ thành phố (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Trường Sa.
Số cây khảo sát và ghi nhận lên đến 25 cây, thuộc 14 loài. Phần lớn các cây này hiện diện trong các di tích văn hóa – lịch sử, ngoại trừ: 2 cây Dầu rái ở Diên An (H. Diên Khánh) và Thành Sơn (H. Khánh Sơn); và 4 cây trên quần đảo Trường Sa. Các cây được đề xuất tuyển chọn đề phù hợp với tiêu chí Cây di sản Việt Nam do VACNE công bố.
2. Kết quả công nhận Cây di sản Việt Nam tại Khánh Hòa
Dựa vào các hồ sơ đề xuất của Hội Bảo vệ TN&MT Khánh Hòa, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã xét duyệt và công nhận 19 Cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Tính đến tháng 9/2020).
– Kích thước và độ tuổi của các cây đều rất lớn, nổi bật là cây Sao đen có chu vi gốc đến 14,8 m, khoảng 800 tuổi.
– Số Cây di sản được công nhận phân theo từng địa phương:
Huyện Vạn Ninh: Cây Sao đen Vạn Bình và Da sộp ở Tu Bông (2 cây)
Tp. Nha Trang: Cây Mun Vĩnh Hải và Tuế lược KĐT Mỹ Gia (2 cây)
Huyện Diên Khánh: Cây Mã tiền Diên Điền, Giáng hương Diên phú (4), Dầu rái (cây Dầu đôi) Diên An, Da sộp Suối Tiên, Thị Diên Toàn (8 cây)
Huyện Khánh Vĩnh: Cây Kơ nia Khánh Trung (1 cây)
Huyện Khánh Sơn: Cây Dầu Thành Sơn (2 cây)
Huyện Trường Sa: Cây Bàng vuông Nam Yết, Phong Ba Song Tử Tây, Mù u Sinh Tồn và Mù u Sơn Ca (4 cây).