Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 – 2025 |
Thực trạng về nghề khai thác thủy sản tỉnh Khánh Hòa Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385 km với bờ biển khúc khuỷu tạo ra nhiều vũng, vịnh sâu, là nơi rất lý tưởng cho việc sinh sản, sinh trưởng của các loài thủy sinh. Nguồn lợi cá nổi chiếm khoảng 70% trữ lượng thủy sản toàn tỉnh; nguồn lợi cá đáy, tuy tỷ lệ trữ lượng thấp hơn so với cá nổi nhưng có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, nghề khai thác hải sản của tỉnh Khánh Hòa góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản (trên dưới 600 triệu USD/ năm), giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Hiện nay, cả tỉnh có tổng số tàu thuyền trên 3.448 chiếc tham gia khai thác hải sản, trong đó tàu hoạt động ven bờ trên 1.909 chiếc (chiếm 55,4%), nhóm tàu hoạt động vùng lộng có 791 chiếc (chiếm 22,9%); nhóm tàu hoạt động vùng khơi 748 chiếc (chiếm 21,7%). Số lượng tàu thuyền khai thác hải sản tập trung chủ yếu ở các địa phương ven biển. Trong đó, nghề Lưới kéo có 297 chiếc, Lưới rê 1.470 chiếc, Lưới vây 272 chiếc, nghề Câu 611 chiếc, Chụp mực 24 chiếc, Dịch vụ hậu cần 134 chiếc, các nghề Khác 640 chiếc. Với hình thức bảo quản sản phẩm chủ yếu là dùng đá ướp lạnh trong hầm cách nhiệt đơn giản, nên lượng sản phẩm thủy sản tổn thất sau khai thác xa bờ lên đến 30%-40%. Toàn tỉnh hiện có 4 cảng cá, hàng chục bến cá và 44 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu thủy sản. Với lợi thế này, Khánh Hòa được đánh giá là có nhiều thuận lợi để phát triển nghề khai thác hải sản. Từ năm 2014 đến nay xu hướng ngư dân ngày càng đầu tư tàu có công suất lớn để vươn ra khơi khai thác xa bờ, tập trung ở nhóm tàu có chiều dài Lmax từ 15 mét trở lên khai thác ở vùng khơi, tạo ra sản lượng khai thác hải sản có giá trị xuất khẩu cao và giảm bớt cường lực khai thác vùng ven bờ, vùng lộng. Mặc dù, có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của các Sở, Ban, Ngành, nhưng nghề khai thác hải sản của tỉnh Khánh Hòa còn những tồn tại như sau: – Đối với nghề khai thác ven bờ và lộng: Gần 80% tàu thuyền khai thác hải sản của tỉnh ta chủ yếu hoạt động ven bờ và vùng lộng, cường lực khai thác cao, hiệu quả kinh tế thấp, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững của nghề cá. – Đối với nghề khai thác xa bờ: Các nghề hoạt động khai thác tại vùng khơi, bám biển dài ngày gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề rê , nghề chụp mực, nghề lưới vây. Theo đánh giá của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì chỉ có khoảng 60 – 70% sản phẩm sau khai thác đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do phần lớn sản phẩm sau khai thác được bảo quản bằng kỹ thuật thô sơ. Hiệu quả chuyến biển thấp vì khâu bảo quản kém, thời gian một chuyến biển ngắn, dẫn đến chi phí cao trên mỗi chuyến đi. – Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá: tuy được quan tâm quy hoạch, đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa Xuất phát từ thực trạng khai thác hải sản của tỉnh Khánh Hòa, việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, có ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội, phù hợp với chủ trương của Nhà nước, của tỉnh và Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ và giải pháp – Phát triển, kiện toàn các Chi hội nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá, tổ liên kết, hợp tác xã làm cơ sở để củng cố, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá. Trước mắt, thực hiện mô hình đồng quản lý thí điểm 10 xã, phường ven biển. Đến năm 2025 triển khai mô hình đồng quản lý các xã phường ven biển còn lại. – Trên cơ sở số lượng tàu thuyền ven bờ dư thừa, cùng với các chính sách, dự án của Trung ương, trước mắt nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi; tạo sinh kế thay thế cho ngư dân. – Khuyến khích thay thế các tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ vật liệu mới khai thác hải sản ở vùng biển khơi theo hạn ngạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. – Xây dựng, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất như: hợp tác xã, tổ hợp tác; mô hình chuỗi liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản. – Phát triển và nhân rộng mô hình bảo quản sản phẩm khai thác hải sản tiên tiến như: bảo quản bằng công nghệ đá sệt, Polyuethane (PU). – Đối với vùng biển ven bờ: hoạt động nghề câu, mành đen, lưới rê cước. – Đối với vùng lộng: hoạt động nghề câu, mành đen, mành chụp, lưới rê cước, lưới vây, lưới kéo đơn. – Đối với vùng khơi: hoạt động nghề câu, mành chụp, lưới rê khơi, lưới vây, lưới kéo đôi. – Tăng cường tuần tra xử lý các tàu khai thác vi phạm các vùng cấm, nghề cấm và thời gian cấm khai thác. chống đánh bắt bất hợp pháp. – Tham mưu đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho ngư dân khai thác ven bờ. – Tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ. – Tham mưu đề xuất chính sách khuyến khích ứng dụng Khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác. – Đề xuất chính sách hỗ trợ cho các chuỗi liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp, hỗ trợ rủi ro cho ngư dân khi khai thác hải sản trên biển. – Phối hợp với Hội Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nha Trang triển khai các phương pháp khai thác theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; áp dụng các công nghệ và thiết bị bảo quản tiên tiến trên tàu cá. Võ Khắc Én |