Ngày Sách Việt Nam 21/4 và phong trào đọc sách của trường THCS Mai Xuân Thưởng, Nha Trang
Hơn 80 năm trước, ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, để thể hiện tình yêu mến, người ta tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng. Ở các hiệu sách người mua sách sẽ được tặng kèm một bông hồng đẹp. Truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” tổ chức hằng năm. Mỹ tục ngày hội đọc sách nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện…
Năm 1995, UNESCO chính thức chọn ngày 23/4 là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Từ năm 2014, Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách để nâng cao kiến thức, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách…
Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.
Ảnh: Một góc Thư viện tỉnh Khánh Hòa
Ảnh: Thư viện Nắng Mai, thư viện gia đình của anh Nguyễn Bá Nha (tỉnh Phú Yên)
Trong các cơ sở giáo dục – đào tạo – dạy nghề của cả nước, việc đọc sách, học tập, nghiên cứu để vận dụng các tri thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn ở sách luôn được khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất thông qua việc trang bị các bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, qua hệ thống thư viện, qua phong trào đọc sách, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 với tinh thần “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội”.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, trường THCS Mai Xuân Thưởng thường xuyên tổ chức Hội thi kể chuyện và làm theo sách. Đây là dịp Nhà trường đẩy mạnh phát triển phong trào đọc sách, tạo không gian văn hóa đọc lành mạnh, thiết thực, bổ ích, xây dựng thói quen kĩ năng đọc sách cho học sinh, đồng thời hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong trường học.
Hội thi hướng tới sự hứng thú và thói quen đọc sách, năng lực tự học và các kĩ năng (kĩ năng tập trung quan sát, khái quát, lý giải và khả năng sáng tạo) cho học sinh. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng chung tay tạo điều kiện để học sinh được đọc sách, được rèn luyện thói quen và phương pháp đọc sách phù hợp và hiệu quả. Mặt khác, hội thi còn nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tác, sưu tầm, lưu giữ và quảng bá những sách hay có giá trị về nội dung và hình thức đến người đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học.
Đến với Hội thi năm 2022 của Trường, có 30 lớp tham gia. Với những câu chuyện được ghi chép từ sách, các em đã được đọc tại thư viện hoặc đã được đọc qua sách, báo, tạp chí… có nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhiều câu chuyện có tác dụng giáo dục về đất nước con người Việt Nam (Câu chuyện Nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Nhớ anh Phan Đình Giót…), giáo dục về tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, (Câu chuyện Đôi dép Bác Hồ, Đêm giao thừa Bác Hồ đến thăm người nghèo, Nước nóng nước nguội, Chiếc áo ấm, Bác Hồ đến thăm trại trẻ Kim Đồng…), giáo dục tình yêu quê hương, truyền thống hiếu thảo, tôn sư trọng đạo (Câu chuyện Sự tích hoa cúc trắng…), giáo dục tinh thần ham học, say mê học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, phấn đấu vươn lên tu dưỡng rèn luyện đạo đức (Câu chuyện Cô giáo người Dao dành học bổng), ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc (Tấm gương hiếu học Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)…
Một số hình ảnh Hội thi Kể chuyện làm theo sách năm 2022 của trường THCS Mai Xuân Thưởng (Nha Trang):
Hội thi diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi, đã tuyên truyền và giáo dục cho học sinh nhận thức cao về văn hóa đọc. Thông qua đó, rèn luyện cho các em tính tự giác học tập, đoàn kết, giao lưu với các bạn trong trường để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; Hội thi còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy trong học sinh lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, từ đó cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đọc sách không đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa, là thái độ và cách ứng xử của chúng ta với tri thức của loài người. Một thập niên với sự bùng nổ, thay đổi của công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử đã tác động đến hành vi, suy nghĩ, thói quen của mọi người đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Vì vậy nâng cao chất lượng sách in, sách điện tử của các nhà viết sách, xuất bản sách và nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên, trong mọi người là chuỗi hoạt động rất quan trọng, không thể không quan tâm phát triển./.
Lê Thị Phương Tâm
(GV Trường THCS Mai Xuân Thưởng)