Khảo sát đánh giá sức khỏe và rủi ro cây di sản tại di tích nhà tù Côn Đảo

Từ ngày 11/05 đến ngày 14/05/2024, Viện Sinh thái học Miền Nam đã phối hợp với Ban quản lý Trung tâm bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo thực hiện việc đánh giá sức khỏe của quần thể Bàng (Terminalia catappa) tại khu di tích trại giam Phú Sơn, huyện Côn Đảo. Việc đánh giá tập trung vào 7 cá thể này thuộc quần thể Bàng với 53 cá thể được công nhận là cây di sản vào năm 2012 bởi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Việc kiểm tra và đánh giá sức khỏe cây xanh đô thị, đặc biệt là các cây di sản, có vai trò quan trọng đối với cả môi trường và cộng đồng. Trước hết, cây di sản không chỉ là biểu tượng của lịch sử và văn hóa, mà còn là nhân chứng sống của thời gian. Bảo vệ chúng là bảo vệ những giá trị vô giá của quá khứ. Bên cạnh đó, những cây xanh yếu, bệnh tật hoặc mục ruỗng có thể đổ ngã, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt tại các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện và đường phố. Cây xanh cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí, điều hòa khí hậu và tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Khảo sát định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của cây, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời, ngăn ngừa những sự cố tiềm ẩn.

Quá trình chẩn đoán sức khỏe cây bao gồm các hoạt động chính như kiểm tra trực quan, đánh giá sức khỏe bằng công nghệ sóng âm (Sonic Tomography), đánh giá rủi ro cây và áp dụng các phương pháp đánh giá và theo dõi sức khỏe chuyên sâu.

Kiểm tra trực quan giúp ghi nhận tình trạng sức khỏe chung của cây dựa trên các yếu tố như hình thái, sức sống, phân bố cành nhánh, cấu trúc tán và không gian phát triển, từ đó phát hiện các dấu hiệu bệnh hoặc côn trùng gây hại trên các bộ phận của cây.

Kiểm tra trực quan và đánh giá rủi ro đối với các cá thể cây xanh

Công nghệ sóng âm sử dụng âm thanh để tạo ra hình ảnh mặt cắt tại phần gốc hoặc thân cây, giúp phát hiện các vùng mục ruỗng hoặc khoang rỗng bên trong thân cây mà không cần cắt cây, đồng thời cho phép kiểm tra hệ thống rễ ngầm không thể quan sát bằng mắt thường.

Hệ thống sóng âm đo chất lượng gỗ thân, rễ cây Rintech Arbotom ABT06-S (Đức) và các hoạt động đo đạc thực tế đã triển khai.

Đánh giá rủi ro cây nhằm xác định khả năng và hậu quả của việc cây xanh ngã đổ có thể gây ra, thông qua kiểm tra trực quan và đánh giá sức khỏe cây. Điều này kết hợp với việc xác định các yếu tố rủi ro như vị trí của cây (gần nhà cửa, đường đi, hoặc đường dây điện), loài cây (một số loài có độ ổn định kém hoặc dễ mắc bệnh hơn), và điều kiện thời tiết (nhiệt độ cao, khô hạn, gió mạnh). Từ kết quả đánh giá mức độ rủi ro, sẽ xây dựng một kế hoạch quản lý để giảm thiểu nguy cơ.

Đối với những cây xanh có giá trị bảo tồn cao, chẳng hạn như cây có giá trị lịch sử hoặc cây di sản, sẽ áp dụng các phương pháp đánh giá và theo dõi sức khỏe chuyên sâu. Các phương pháp này bao gồm đo dòng nhựa trong thân để theo dõi và xác định nhu cầu sử dụng nước của cây, cùng với đo chức năng lá và khả năng quang hợp nhằm phát hiện các dấu hiệu stress hoặc biến động liên quan đến các đặc điểm sinh lý của cây.

Lắp đặt hệ thống đo dòng nhựa trong thân cây ICT SFM1 (Australia) trên cây cổ thụ

Kết quả đánh giá sức khỏe và rủi ro của quần thể Bàng tại khu di tích trại giam Phú Sơn hiện đang được xử lý và sẽ sớm được công bố. Các kết quả này sẽ giúp xây dựng kế hoạch quản lý và bảo tồn hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ những cây di sản quý giá của Côn Đảo.

SIE/Thế Văn – Đình Phúc

Nguồn: sie.vast.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *