KHÁNH HÒA – Nhiều mầm non đã mọc trên nền san hô gãy đổ ở khu vực phía tây Hòn Mun, vịnh Nha Trang, sau nhiều năm bị hư hại
Ngày 3/2, ông Đàm Hải Vân, Phó ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết khu vực phía tây Hòn Mun là nơi san hô bị gãy đổ hiện phục hồi, có nhiều mầm non mọc lên phần lớn thuộc giống Acropora (san hô cứng tạo rạn). Do đặc điểm sinh học tăng trưởng chậm, mỗi năm loài san hô này chỉ tăng khoảng một cm.
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, cơn bão năm 2021 đã làm hư hại phần lớn hệ sinh thái hệ san hô trong vịnh. Ngoài ra trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất và nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái nơi đây.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Ban quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, vệ sinh đáy biển ở khu vực Hòn Mun như bắt sao biển gai, nhặt rác; dừng du lịch lặn biển ở một số điểm dễ gây hại san hô, phạt nặng một số tàu khai thác trái phép…
Sau một năm, san hô xung quanh Hòn Mun phục hồi với “nhiều tín hiệu đáng mừng”. Hiện phía tây bắc và bắc hòn đảo này vẫn còn các loài san hô tạo rạn, phần lớn là giống Porites và Millepora dichotoma. Độ che phủ của san hô dao động trong khoảng 30-50%, tăng so với mức 10-20% trước đây.
Để góp phần phục hồi hệ sinh thái ở vịnh Nha Trang, năm vừa qua ngành chức năng Khánh Hoà đã thả 12.000 cá giống các loại và hải sâm xuống vịnh Nha Trang; trồng 2,5 ha rừng ngập mặn ở đảo Đầm Bấy, bãi bồi ven sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường.
Vịnh Nha Trang rộng gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển, xem đáy đại dương.
Nguồn: vnexpress.net