Thêm 1,333 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam

Thêm 1,333 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam

7, 10/10/2020, 00:09 GMT + 7

(Tin Môi Trường) – Ngày 9/10/2020, dưới sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam họp và đã xét công nhận thêm 1,333 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.

 

Thêm 1,333 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam

Hội đồng Cây Di sản Việt Nam họp và đã xét công nhận thêm 1,333 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.

Đây là những cây cổ thụ trong các hồ sơ cây do các tỉnh: Hà Giang, Hải Phòng và Khánh Hòa vừa mới gửi về; đồng thời cũng là số lượng cây lớn nhất từ trước tới nay đã gửi về Hội BVTN&MT Việt Nam
Điều đáng mừng là: có 2 cây cổ thụ thuộc loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng (nằm trong sách đỏ Việt Nam) đã được các vị đại diện quân đội và chính quyền địa phương đăng ký, yêu cầu VACNE  công nhận Cây Di sản Việt Nam để cộng đồng cùng bảo vệ. Đó là 02 cây Chai lá cong (Shorea falcata Vidal) ở tỉnh Khánh Hòa. Một cây có tuổi hơn 200 năm ở thôn Thủy Triều (do UBND xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa đăng ký) và một cây cổ thụ hơn 300 năm ở xã Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh (do đại diện Tư lệnh vùng IV Hải quân – Bộ Quốc Phòng đăng ký). Tỉnh Khánh Hòa còn có hồ sơ của cây Me cao to vào loại bậc nhất Việt Nam (chu vi thân 6,1m, cao 24 m) hơn 300 năm, cũng được gửi tới Hội đồng và được xét lần này.
Thành phố Hải Phòng có 6 cây cổ thụ được Hội đồng xét và công nhận là Cây Di sản Việt Nam lần này, đó là: 03 cây Đa, 01 cây Bồ đề và 01 cây Gạo. Cụ thể là cây Đa và cây Bồ Đề ở xã An Đồng, huyện An Dương. Ba cây Đa + 01 cây Gạo ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên.
Đặc biệt lần này, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã nhận được hồ sơ đăng ký 3.365 cây Chè Shan tuyết cổ thụ của hàng trăm hộ dân ở 22 xã thuộc 5 huyện xung quanh núi Tây Côn Lĩnh, do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang đăng ký. Sau khi xem xét, đánh giá rất cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân và cán bộ địa phương, Hội đồng đã nhất trí công nhận 1.324 cây trên 100 tuổi là Cây Di sản Việt Nam. Trong đó, có cây Chè Shan tuyết cổ thụ của gia đình ông Hầu Seo Dình, ở Bản Péo, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì có tuổi hơn 170 năm. Nhiều cây Chè Shan tuyết khác, có tuổi hơn 100 năm, trong đó có cây của gia đình ông Đặng Văn Chiển, thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên có tuổi hơn 300 năm, cao gần 20 mét, có chu vi thân 1,5 mét đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam cùng với 220 cây khác từ năm 2015. Khu vực này của Hà Giang còn có 84 cây Chè Shan tuyết của huyện Hoàng Su Phì đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ năm 2019.
Thêm 1.324 cây được công nhận lần này, sẽ đưa Hà Giang là tỉnh có nhiều cây Chè Shan tuyết Di sản nhất Việt Nam. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen bản địa, mà còn góp phần thiết thực nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng chè. Đây cũng là cơ hội quý báu để quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ của tỉnh Hà Giang đến với thị trường trong nước và quốc tế.

 

Hội BVTN&MT Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *