Chiều ngày 9/6, tại Tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, đã diễn ra Lễ công Cây Di sản Việt Nam.
Dự lễ có các đại biểu và khách mời: ông Đặng Quốc Khánh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên GEF SGP; bà Bùi Thu Hiền – Điều phối viên Chương trình biển IUCN.
Về phía tỉnh Khánh Hoà: ông Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đình Bích Đầm tọa lạc về phía Đông của đảo Hòn Tre, mặt trước là đầm biển. Nơi đây có tên là “Bích Đầm” vì nằm giữa vùng nước quanh năm trong xanh ánh lên màu ngọc bích, cảnh quan rất tuyệt đẹp và bình yên. Đình Bích Đầm đã được xếp hạng là “Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh”, trong Đình còn lưu giữ 5 đạo sắc phong do các đời vua triều Nguyễn, cho phép người dân nơi đây được thờ phụng các vị thần và ông Nam Hải. Đặc biệt, Bích Đầm còn là nơi phát sinh nghề khai thác yến sào nổi tiếng ở Khánh Hòa.
Ngay trước khuôn viên đình Bích Đầm, có cây Bàng cổ thụ khoảng 150 năm tuổi, đã trở thành nhân chứng lịch sử, văn hóa, mang đặc trưng của một làng chài ven biển và là sợi dây gắn kết bền chặt cộng đồng.
Hưởng ứng phong trào “Bảo tồn Cây Di Sản Việt Nam” và được sự công nhận của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với địa phương, tổ chức Lễ công bố quyết định và Bằng công nhận cây Bàng – đình Bích Đầm, là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là cây Bàng có kích thước lớn nhất được ghi nhận ở TP. Nha Trang, với chu vi gốc 6,1m (đường kính gốc 1,9m); chiều cao cây 21m. Là loài cây gỗ lớn, thay lá hàng năm, gốc có bạnh to, được trồng nhiều ở ven biển và trên các hòn đảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, việc công nhận Cây Di sản góp phần tuyên truyền các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, về quá trình lịch sử của địa phương, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh của người dân trong cộng đồng, gắn kết bảo tồn thiên nhiên với nâng cao ý thức bảo tồn di sản.
Đặc biệt, các Cây Di sản này trở thành biểu tượng sống cho sự bền bỉ và vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng thời là điểm nhấn văn hóa tại các địa phương. Những cây cổ thụ này không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng giáo dục cho các thế hệ tương lai về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cho đến nay, tại Khánh Hòa đã có tổng cộng 30 Cây Di sản Việt Nam ở khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện đảo Trường Sa cũng đã có 4 Cây Di sản. Việc khảo sát và tìm kiếm các cây cổ thụ trên đia bàn tỉnh hội đủ tiêu chí để đề xuất công nhận Cây Di sản Việt Nam vẫn còn tiếp diễn với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và di sản.
Sau buổi lễ công bố, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát tình hình bảo vệ môi trường và khôi phục rừng ngập mặn tại khu vực quanh Bích Đầm và Đầm Bấy. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên. Những nỗ lực này không chỉ nhằm khôi phục hệ sinh thái đặc biệt của rừng ngập mặn, mà còn nhằm bảo đảm sinh kế cho cộng đồng địa phương thông qua việc duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, hỗ trợ du lịch bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hình: Phục hồi rừng ngập mặn ở Đầm Bấy
Hội Bảo vệ TN&MTKhánh Hòa (09/6/2024)