Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển, chuyên gia về phát triển rừng.
Thời gian qua, một số địa phương nhận được tiền bán tín chỉ các – bon thông qua Ngân hàng Thế giới, mở ra một hướng đi mới, tạo nguồn thu từ hoạt động phát triển rừng. Theo ông, việc này mang lại lợi ích gì cho địa phương có rừng nói riêng và Việt Nam nói chung?
Đây là tín chỉ các-bon rừng, được tạo ra từ việc hấp thụ, lưu trữ, giảm hoặc ngăn ngừa phát thải các-bon. Các-bon chuyển nhượng giữa Bộ NN&PTNT với Quỹ đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FPCF) ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (một Chi nhánh của Ngân hàng Thế giới) được tạo ra từ việc giảm phát thải khí nhà kính từ rừng đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế. Lượng các-bon phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ước tính khoảng từ 15%-23% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là lượng phát thải rất lớn nếu mất rừng. Vì vậy, việc giữ rừng, bảo vệ rừng để tránh mất và suy thoái rừng sẽ tránh được lượng lớn CO2 phát thải ra khí quyển, do đó, giảm sự nóng lên toàn cầu.
Rõ ràng, công tác quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả sẽ tạo ra tín chỉ các-bon để có thể trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng, cái mà từ trước đến nay chúng ta chỉ có chi (đầu tư vào công tác quản lý và bảo vệ rừng) chứ không có thu từ hoạt động này. Đây là một hướng đi mới giúp Chính phủ Việt Nam giảm gánh nặng tài chính cho công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng và lợi ích môi trường cho xã hội. Các chủ rừng có tiền để tái đầu tư vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng bằng cách hợp đồng thuê khoán hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng địa phương. Cách làm này sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giảm các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và tiến tới phục hồi các quần thể động, thực vật hoang dã quý hiếm.
Cần dồn điền đổi thửa
Theo ông, để tận dụng cơ hội từ thị trường tín chỉ các – bon quốc tế, các địa phương cần giải pháp gì? Cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ gì để các địa phương, các chủ rừng tham gia thị trường này?
Có 2 loại thị trường: bắt buộc và tự nguyện. Đối với thị trường tự nguyện, tín chỉ các-bon phải được đo đạc, đánh giá, thẩm định và đăng ký theo các tiêu chuẩn các-bon trên thị trường quốc tế để có thể giao dịch. Hiện tại, có một số tiêu chuẩn như VERA, GOLD, TREES, Plan Vivo, ERS, CCB. Địa phương cần phải xác định xem tín chỉ các-bon rừng của mình định giao dịch theo loại thị trường nào, nếu là thị trường tự nguyện thì sẽ đăng ký theo tiêu chuẩn quốc tế nào. Đây là công việc khó của địa phương và cả quốc gia, cần linh hoạt trong việc đánh giá các ưu/nhược điểm của từng bộ tiêu chí, khuyến cáo để các địa phương cân nhắc. Để thực hiện được, các cơ quan ở Trung ương cần có những hướng dẫn cụ thể cả về mặt pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt là nâng cao năng lực về vấn đề này cho các địa phương, giúp họ có kỹ thuật, kiến thức để đánh giá, ra quyết định lựa chọn.
Ngoài ra, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được giao cho BQL Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ, các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình và UBND các xã. Đối với tín chỉ các-bon được tạo ra từ trồng rừng, yêu cầu là phải có diện tích đủ lớn (ít nhất là vài nghìn héc-ta). Tuy nhiên, diện tích đã giao cho các hộ gia đình nhỏ và manh mún nên địa phương cần phải có chương trình giống như “dồn điền đổi thửa” cho các diện tích lâm nghiệp.
Việt Nam đang hướng tới xây dựng thị trường tín chỉ các – bon nhằm thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định”(NDC), theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể hình thành thị trường tín chỉ các – bon sớm nhất với cơ chế minh bạch, thuận lợi nhất cho các bên tham gia?
Trước tiên, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý về các-bon, trong đó có các-bon rừng. Trong đó, quy định rõ cần một lượng các-bon rừng là bao nhiêu để đóng góp vào Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định, ở đâu, loại rừng nào? Tín chỉ các-bon rừng được giao dịch theo thị trường nào? Tín chỉ các-bon bắt nguồn từ loại rừng nào phải theo thị trường bắt buộc, loại rừng nào theo thị trường tự nguyện? Ai và cấp nào phê duyệt dự án các-bon rừng? Quyền các-bon thuộc về ai? Cơ quan nào sẽ quản lý nguồn tiền từ bán tín chỉ các-bon rừng thuộc sở hữu nhà nước (từ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất)? Cơ chế chia sẻ lợi ích từ tín chỉ các-bon ra sao? Tín chỉ các-bon được tạo ra từ rừng thuộc tư nhân, doanh nghiệp có phải đóng góp vào báo cáo NDC không?
Chính phủ có thể tham khảo các dự án các-bon đang được các tổ chức, các dự án thí điểm trong nước để tìm hiểu xem họ đang làm gì, gặp khó khăn gì, để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách các-bon một cách nhanh chóng.
Trong trường hợp cần thiết, theo tôi, Chính phủ có thể ban hành một quyết định về thí điểm thị trường các-bon lâm nghiệp. Từ đó có bài học kinh nghiệm cho việc điều chỉnh và chuẩn bị các hướng dẫn kỹ thuật và pháp lý tốt hơn cho việc áp dụng rộng rãi.
Có thể lấy kinh nghiệm từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, trước khi việc chi trả được áp dụng rộng rãi, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 380 ngày 10/4/2008 về việc thí điểm chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ở một số tỉnh, dựa trên kết quả đó việc chi trả đã được chính thức đưa vào nghị định, sau này là luật. Thị trường các-bon lâm nghiệp cũng nên được thí điểm như vậy.
Tiềm năng thì thị trường tín chỉ các – bon rất lớn
“Trong tương lai, không chỉ Ngân hàng thế giới (WB), các định chế tài chính quốc tế, các công ty, tập đoàn nước ngoài mà còn cả các công ty sản xuất, kinh doanh trong nước gây phát thải lớn khí nhà kính sẽ phải trả tiền cho dịch vụ hấp thụ các-bon của rừng, tức là trả tiền cho các chủ rừng để trồng, phục hồi và bảo vệ rừng.
Do vậy, tham gia vào thị trường các-bon quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho người dân (những người nhận khoán bảo vệ rừng), chủ rừng, các chủ thể thương mại các-bon. Đối với chính quyền địa phương và trung ương, lợi ích lớn nhất là giảm đầu tư vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thị trường lao động, giảm nghèo. Ngoài ra, thuế tài nguyên và môi trường, thuế từ các giao dịch mua bán tín chỉ các-bon, thuế thu nhập… cũng là khoản thu không nhỏ cho địa phương có rừng và cho Việt Nam”, TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Nguồn: tienphong.vn