BẢO TỒN THIÊN NHIÊN ĐỂ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH BIỂN Ở NHA TRANG, KHÁNH HÒA

Mở đầu

Du lịch đang được coi là ngành kinh tế biển xanh của nhiều quốc giá với quan điểm xuyên suốt là phát triển du lịch gắn liền với giữ gìn, khai thác và tái tạo môi trường biển. Một trong những lĩnh vực trọng điểm của du lịch biển xanh là du lịch dựa thiên nhiên (nuture-basead tourism) nhằm thưởng thức và khám phá thiên nhiên hoang dã và tìm hiểu sự độc đáo kỳ thú của các cảnh quan thiên nhiên và đời sống động thực vật. Đây là xu thế của du lịch cao cấp và là đặc ân cho những vùng biển có tính đa dạng sinh học cao.

Với nhiều tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi, thành phố Nha Trang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa. Trong các ngành kinh tế biển xanh đang hiện hữu ở Nha Trang, du lịch biển là ngành chủ đạo, đã đạt nhiều thành tựu, nhất là về phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp và tổ chức nhiều loại hình khám phá, giải trí trên biển và trong lòng biển; định hướng tầng du lịch ven bờ và trên đảo đang làm gia tăng lắng đọng trầm tích làm suy thoái môi trường biển. Cùng với một số hoạt động thiếu kiểm soát, chính du lịch đã góp phần hủy hoại cảnh quan các sinh cư trên cạn và dưới nước. Ngay ở Hòn Mun – nơi được quản lý là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, tình trạng suy thoái cũng đã xảy ra, bắt đầu từ 2016. Do vậy, việc phát triển bền vững du lịch biển đang là vấn đề cần được quan tâm.

Tài nguyên thiên nhiên phục vụ du lịch thiên nhiên ở Nha Trang

Biển Nha Trang bảo gồm mặt nước và các đảo trong vịnh Bình Cang – Nha Trang và vùng thềm lục địa phía Đông. Theo quan điểm đới bờ, biển Nha Trang tiếp giáp 2 lưu vực gồm đồng bằng Nha Trang và Diên Khánh nằm ở hai bên sông Cái với diện tích khoảng 135 km2; đồng bằng Ninh Hòa do sông Dinh bồi đắp có diện tích 100km2, bao bọc với vùng đồi núi kéo dài của dãy Trường Sơn, trong đó có dãy núi Hòn Bà với điểm cao nhất đạt 1.574m. Hệ thống dòng chảy trong vịnh thay đổi theo mùa với sự tồn tại một dòng chảy dọc bờ từ Bắc xuống Nam trong mùa gió Đông Bắc và dòng chảy gần như theo hướng ngược lại tồn tại trong thời kỳ thịnh hành của gió mùa Tây Nam. Hệ thống dòng triều đi vào vịnh chủ yếu từ hai của phía Đông – Bắc (rộng và sâu) và cửa phía Nam (hẹp). Đây là vùng biển tương tác mạnh với biển mở do đường đẳng sâu 50 mét có xu thế song song với bờ ngay ngoài cửa vịnh. Nước trồi cũng xảy ra hàng năm vào mùa hè ở vùng ven biển phía Nam vịnh Nha Trang.

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên là tiền đề cho sự đa dạng của hệ sinh thái biển với nhiều dạng sinh cảnh khác nhau (Hình 1). Rừng ngập mặn từng là một sinh cư phong phú ven sông Quán Trường/sông Tắc và phụ cận nhưng hầu như đã bị xóa sổ để nuôi thủy sản trước đây và phát triển các khu du lịch và dân cư sau này. Trong 28 khu vực khảo sát trên toàn vịnh Nha Trang trong 2015, đã ghi nhận 6 khu vực có sự phân bố của thảm cỏ biển với tổng diện tích 52,4 ha, tập trung cao nhất ở Đầm Tre (20,7 ha), Sông Lô (15,9 ha) và Hòn Chồng (11,6 ha), còn Mũi Nam (Con Sẻ Tre), Hòn Một và Hòn Miếu có diện tích khá ít. Tổng số có 754 ha rạn san hô phân bố trong vịnh, trong đó Bãi Cạn Lớn (Grandbank) có diện tích lớn nhất với 427 ha, khu vực quanh đảo Hòn Tre phân bố 131,8 ha, các đảo khác có 90,6 ha và vùng ven bờ (Bãi Tiên, Đường Đệ, sông Lô) có 104,7 ha. Như vậy, rạn san hô là sinh cư phân bố phổ biến nhất ở thủy vực nước nông trong vịnh.

Hình 1. Phân bố các sinh cư tiêu biểu ở vịnh Bình Cang – Nha Trang (đỏ – rạn san hô, xanh biển – thảm cỏ biển, xanh lá cây – rừng ngập mặn)
Hình 2. Tam giác San hô được đề xuất mở rộng bao gồm Tiểu Tam giác San hô ở Biển Đông với Biển Nha Trang ở cực Tây

Theo một nghiên cứu đồng bộ tại 18 điểm rạn vào năm 2002, số loài của 4 nhóm chính (san hô cá, động vật đáy kích thước lớn, rong biển – tất cả đều có thể nhìn thất bằng mắt thường) tại mỗi điểm dao động từ 198-341 loài, trung bình là 286 loài (SE = 12). Các điểm giàu có loài nhất là Hòn Cau (341 loài), Hòn Vung và Đông Hòn Tre (322 loài), Đông Nam Hòn Tre (319 loài), Tây Nam Hòn Mun (Morey beach, 308 loài), Hòn Nọc (302 loài) và Bãi Bàng (207 loài). Đây đều là những vùng xa bờ, ít ảnh hưởng của sông và vào thời điểm đó, ít bị tác động bởi sao biển gai và đánh bắt hủy diệt. Nghiên cứu đã ghi nhận trên 350 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, 24 loài thuộc 5 giống san hô mềm, 3 loài san hô sừng (Gorgonaea) và 2 loài thủy tức san hô (Millepora) ở các rạn trong vịnh Nha Trang. San hô tạo rạn ở vùng nghiên cứu được coi là rất đa dạng và chiếm tới hơn 40% tổng số loài trên thế giới và khoảng một nửa số loài của khu hệ Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương. Thành phần loài san hô – nhóm chính tạo nên quần xã rạn san hô có cấu trúc thuộc vào 4 kiểu quần xã khác nhau và liên quan đến xu thế thay đổi tương tác đất liền – biển và khác biệt về điều kiện môi trường. Số lượng trên 350 loài thuộc 64 giống, 15 họ san hô tạo rạn có thể so sánh với vùng rạn Vườn Quốc gia Bunaken (Indonesia) với tổng số 390 loài san hô tạ rạn thuộc 63 giống, 15 họ đã công bố. Chỉ số đa dạng nội vùng (alpha diversity – số loài trên 1 ha diện tích nghiên cứu) của vịnh Nha Trang là 139 loài, tối đa > 190 loài, gần với giá trị trung bình là 155 loài (tối đa > 200 loài) đối với Bunaken. Tuy hai vùng khác nhau, về diện tích và số điểm rạn khảu sát, so sánh với vùng rạn Bunaken của vùng biển Sulu – Sulawesi nằm trong Tam giác San hô đa dạng nhất thế giới cho thấy tính đa dạng rất cao của vịnh Nha Trang. Sự đa dạng này liên quan đến cho và nhận phát tán nguồn giống trên toàn vùng biển miền Nam, sự phù hợp về môi trường sống và tính dị thường của các sinh cư. Các nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước gần đây (Võ Sĩ Tuấn, 2014, Huang et al., 2015) cho thấy biển Nha Trang là điểm cực tây của tiêu Tam giác San hô trong Biển Đông (Hình 2).

Chính sự đa dạng của san hô và các sinh vật rạn khác tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước và đây cũng là tài nguyên đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Nha Trang – Khánh Hòa. Rạn san hô cũng đóng vai trò quan trọng cho sự giàu có nguồn lợi thủy sản và tạo môi trường cho sinh sản phát triển của thủy sinh vật.

Định hướng bảo tồn thiên vì nền du lịch bền vững ở Nha Trang

Về các ý tưởng liên quan đến quan điểm kinh tế – sinh thái, trước hết, cần xác định rõ là bảo tổng và phát triển đều cùng mục tiêu hướng đến sự bền vững. Vì vậy, trong nhận thức cần thống nhất là không có mâu thuẫn giữ hai phạm trù này. Việc khai thái tài nguyên nhằm bảo đảm sinh kế lâu bền của cộng đồng và lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Các chủ thể khai thác tài nguyên không lẽ ghi lại không gắn trách nhiệm của mình với lợi ích mà mình được hưởng từ thiên nhiên. Nhận thức rằng tài nguyên thiên nhiên không là vô hạn, vì vậy, song song với khái thác, việc giữ gìn cho khai thác sử dụng lâu dài là tất yếu.

Theo các quan điểm trên, việc cần làm là phải thiết lập các vùng không khai thác sự dụng (no take zone) thực sự trong các Khu bảo tồn biển nằm duy trì tài nguyên sinh vật và bảo tồn các loài quí hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vũng và hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương. Sự bền vững của nguồn lợi thủy sản còn phụ thuộc vào khả năng tái tạo tự nhiên của quần thể. Vì vậy, việc bảo vệ các bãi đẻ, ươm giống của các loài nguồn lợi song song với bảo tồn sinh cảnh của chúng cần được coi trọng và triển khai theo hình thức thiết lập các khu bảo tồn nguồn giống thủy sản (fisheries refugia).

Đối với các khu vực biển được quy hoạch cho khai thác sự dụng, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách để tạo cơ chế và có biện pháp thực thi việc doanh nghiệp và cộng đồng tham gia quản lý và sự dụng tài nguyên. Hiện nay, hầu hết các đảo và vùng ven biển đang được khai thác sử dụng bởi các doanh nghiệp du lịch. Việc giao mặt biển cho doanh nghiệp cũng đã được thực hiện nhưng hiệu quả quản lý và sử dụng còn nhiều bất cập. Quy chế về sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý và sự dụng tài nguyên nhằm phát triển du lịch sinh thái đã được đề xuất cuối năm 2018 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hiệu quả mặt biển được giao và kiểm soát những tác động tiêu cực từ hoạt động của doanh nghiệp đối với tài nguyên môi trường biển. Rất tiếc là cho đến nay khung thể chế để thực hiện quy chế vẫn chưa được tỉnh thiết lập như đề xuất và hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát.

Nuôi biển trên vùng biển mở là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cáo nhưng đòi hỏi đầu tư và công nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Du lịch kết hợp với nuôi biển công nghệ cao sẽ là hướng đi tạo ra những loại hình giải trí mới (khám phá công nghệ, câu các thể thao). Nuôi thiên nhiên các loài hải sản đắt tiền (hải sâm, bảo ngư, vú nàng, ốc đụn) có thể được triển khai ở các vùng biển đang được giao cho các doanh nghiệp quản lý.

Biển Nha Trang với đường đẳng sâu 100m chạy gần bờ và chế độ thủy văn – động lực tạo giao lưu tốt với Biển Đông là vùng biển đa dạng hệ sinh thái với nhiều sinh cư, gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, hệ đáy mềm, các bãi ngầm và hệ biển sâu. Đây là những điều kiện lý tưởng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo về biển. Hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành đào tạo liên quan đến biển cũng như tạo môi trường cho các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc là hướng đi mang lại nhiều lợi ích kinh tế thông qua dịch vụ đối với nguồn “khách du lịch dài hạn” này và qua tổ chức du lịch sự kiện. Điều này còn góp phần xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển của cả nước.

Trước thực trạng suy thoái của hệ sinh thái biển, phục hồi sinh thái đang là nhiệm vụ cấp bách với ưu tiên là phục hồi rạn san hô xung quanh các đảo và rừng ngập mặn ở khu vực sông Tắc/Quán Trường. Song song với đầu tư từ ngân sách, việc huy động nguồn lực và đề cao trách nhiệm của các doanh nghiệp cần được coi là chủ trương xuyên suốt và lâu dài. Đầu tư cho phục hồi sinh thái không chỉ mang lại lợi ích cho bảo tồn thiên nhiên, tạo các khu giải trí ven bờ, dưới nước mà còn là phương thức xây dựng thương hiệu du lịch thu hút khách du lịch đẳng cấp cao. Cùng với phục hồi sinh thái, việc xây dựng các rạn nhân tạo có thể tạo ra các điểm đến và dịch vụ du lịch mới.

Du lịch các bon thấp là quan điểm đang được ngành du lịch biển xanh quan tâm. Theo đó, các nhà quản lý và điều hành du lịch đo đạc lượng CO2 phát sinh từ hoạt động du lịch, giảm phát thải các bon từ du lịch, thúc đẩy hoạt động tăng hấp thụ các bon và cải thiện quan tâm của xã hội với du lịch trung hòa các bon. Với quan điểm này các phương thiện sử dụng năng lượng tái tạo và hoạt động bảo tồn, phục hồi các sinh cư như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển cần được ưu tiên với du lịch biển Nha Trang.

Theo quan điểm “từ đầu nguồn đến biển”, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ đất liền đối với Vịnh Nha Trang và phát triển mạnh mẽ du lịch cao cấp của thành phố, việc đề nghị UNESCO công nhận phức hợp Hòn Bà – Sông Cái – vịnh Nha Trang là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được giới khoa học đề nghị và là hướng đi phù hợp thời đại của thành phố Nha Trang. Phân vùng không gian biển theo quan điểm liên ngành sẽ là cơ sở cho sự phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế biển xanh và mang lại lợi ích tối đa về kinh tế – xã hội – môi trường của toàn thành phố. Du lịch được định hướng là ngành trọng điểm và cần gắn kết với bảo tồn biển nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn mà thiên nhiên ban tặng, và là nền tảng bảo đảm tính khác biệt của du lịch Nha Trang cũng như hỗ trợ du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch đẳng cấp cao./

PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn
Chuyên gia sinh thái biển, Liên hiệp hội KH&KT tỉnh Khánh Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *