Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD, số tiền này sẽ được dùng để bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, với nội dung đồng ý chủ trương để UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, lập Ðề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (gọi tắt là REDD+) tại tỉnh Quảng Nam. Thời gian thí điểm từ năm 2021-2025.
Vinh dự vì được tiên phong thí điểm
Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
UBND tỉnh Quảng Nam dự tính sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn thí điểm (2021-2025). Cụ thể, năm 2021 sẽ bán 1,2 triệu tấn CO2 (tương đương 1,2 triệu tín chỉ) của các năm 2018, 2019 và 2020 (bình quân mỗi năm bán 400.000 tấn CO2); từ năm 2021 đến năm 2025, mỗi năm bán bình quân 0,8 triệu tấn CO2. Sau khi tiến hành tổng kết thí điểm, từ năm 2026, mỗi năm bán 1,2 triệu tấn CO2. Với giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam nguồn thu từ 110 tỉ đến 130 tỉ đồng/năm, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (mỗi năm Quảng Nam thu khoảng 100 tỉ đồng), bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hằng năm của trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.
Ðề án được triển khai hiệu quả cũng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113 ha, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021-2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025; sản lượng 50.864 ha thực hiện trồng rừng, phục hồi rừng và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu m3 gỗ vào năm 2030; giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030. Ngoài ra, sẽ nâng thu nhập từ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư lên gấp 2 lần hiện nay do được chi trả tiền bán tín chỉ carbon từ rừng; tạo được việc làm ổn định thông qua quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam rất vinh dự khi được chọn là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện đề án. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhà nước sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon… Khi thu nhập tăng lên, chắc chắn người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm phạm rừng, tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Từ sự chuyển động này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tự tin: “Bây giờ là giai đoạn nâng cao chất lượng rừng và làm kinh tế rừng”.
Mở ra cơ hội lớn
Ðây là loại hình thị trường carbon tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia trong mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng được hình thành từ các dự án REDD+. Hiện nay, nhiều nước thực hiện các dự án loại này như Brazil, Colombia, Ecuador, Peru, Kenya, Indonesia, Campuchia, đã mang lại nhiều lợi ích về tài chính, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng. Tại nước ta, các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành đã có các nội dung quy định cơ sở pháp lý cho kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Thế nhưng, đến nay, Việt Nam chưa có các dự án đầu tư kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng từ REDD+ giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các tổ chức, cá nhân Việt Nam vào thị trường carbon tự nguyện. Do đó, chủ trương cho Quảng Nam thí điểm bán tín chỉ carbon rừng đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Giáo sư Phạm Văn Ðiển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng cơ hội tham gia thị trường carbon quốc tế của Việt Nam là rất lớn, vì Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực thi hành với sự cam kết mạnh mẽ và rất có trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ông Ðiển nhìn nhận một trong những khó khăn hiện nay là quy định pháp lý về việc thương mại tín chỉ carbon rừng chưa đầy đủ, chưa cụ thể để hướng dẫn cho việc mua bán tín chỉ giảm phát thải. Cụ thể, Việt Nam còn thiếu một số quy định về hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống giám sát các cấp (quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất) một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; chưa rõ về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành; thiếu hướng dẫn pháp lý bảo đảm việc mua bán tuân thủ và linh hoạt theo yêu cầu của từng thị trường khác nhau.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Tuấn Quang cho hay từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường carbon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi tín chỉ carbon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu bán được tín chỉ carbon sẽ thêm nguồn lực rất lớn cho địa phương được thực hiện thí điểm cũng như các địa phương sau này được triển khai, bởi về bản chất, dù không bán được tín chỉ carbon chúng ta vẫn phải đầu tư để trồng rừng và bảo vệ rừng.
“Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó một nội dung quan trọng về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020” – vị lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp thông tin.
Theo đó, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu được giá bán 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Trần Thường – Văn Duẩn
Nguồn: nld.com.vn