Danh pháp:
Lan hài hồng còn có các tên khác: Hài đỏ, Vệ hài Delanat
Thuộc chi Paphiopedilum, họ Lan (Orchidaceae)
Tên khoa học: Paphiopedilum delenatii Guill.
Chi Lan hài (Paphiopedilum) được Ernst Hugo Heinrich Pfitzer đề xuất năm 1886. Paphiopedilum là một từ ghép từ 2 chữ Paphos và pedilon, có nghĩa là chiếc hài của Paphos. Paphos là nơi sinh ra của Aphrodite, hay thần Vệ nữ (Venus) – vị thần của tình yêu và cái đẹp trong thần thoại Hi Lạp, trong khi đó pedilon trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là chiếc giày hay chiếc hài, do phần môi hoa có hình dạng như chiếc hài. Thực ra, theo Averyanov và cộng sự trong cuốn Lan hài Việt Nam (2004), chi Paphiopedilum là một trong năm chi Lan hài hiện diện trên thế giới, có phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, chi này còn có tên là Vệ hài.
Trên toàn thế giới có khoảng 72 loài lan hài thuộc chi Paphiopedilum. Tổng hợp các tài liệu có liên quan, tại Việt Nam có 18 loài và 4 dạng lai, với nhiều loài đặc hữu, trong đó 14 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Các loài lan Hài ở Việt Nam đều được đưa vào danh mục các loài động thực vật của Công ước quốc tế CITES nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế, qua đó giúp các quốc gia bảo vệ nguồn lan xinh đẹp và quyến rũ này.
Lịch sử phát hiện Lan hài hồng:
Theo các tư liệu cũ, một sỹ quan người Pháp đã đem một mẫu Lan hài đầu tiên về Pháp vào năm 1913 hoặc 1914, không rõ nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam. Ông ta đã đem tặng cho ông Delenat, là người phụ trách vườn hoa ở cung điện St. Germain-en-layes gần St Cloud (Summerhayes 1950). Tuy nhiên, mẫu này không ra hoa. Sau đó người ta không tìm thấy dữ liệu cụ thể liên quan đến loài này, cũng không có mẫu vật. Theo một số tác giả thì mẫu cây này không phải là lan Hài hồng, vì đây là loài đặc hữu chỉ có ở miền Nam Việt Nam.
Cho đến năm 1922, loài lan quý hiếm này chính thức được Poilane – chuyên gia sưu tập mẫu vật, người Pháp – tìm thấy tại một vùng gần Nha Trang. Một số cá thể đã gởi về Pháp cho ông Delanat và ông Mornay để nuôi trồng. Hai năm sau, có cây đã ra hoa và được mang đi triển lãm, chính là cơ sở để nhà thực vật học André Guillaumin mô tả và công bố loài lan mới cho khoa học, lấy tên ông Delenat để đặt tên cho loài. Cây của Mornay đã được cấp chứng nhận và bằng khen của Hội làm vườn Quốc gia Pháp vào năm 1925.
Từ những cây đầu tiên này, lan hài hồng đã được nhân giống và trở nên phổ biến. Đây là loài lan hài có hoa màu trắng phớt hồng, màu sắc này rất được ưa chuộng trong thời kỳ đó.
Kể từ sau khi được công bố, không có thông tin nào về loài lan này được tìm thấy trong các khu rừng hoang dã ở Việt Nam. Bất ngờ vào năm 1992, một số lượng lớn cây lan hài này, có nguồn gốc từ Khánh Hòa, xuất hiện tại thị trường chợ đen ở Đài Loan, Trung Quốc. Không thể hiểu được việc vận chuyển trái phép ra nước ngoài bằng cách nào ?
Do có nhiều thông tin khác nhau, kể cả các giai thoại, về quá trình xuất hiện của loài lan này, cũng như sự bí mật về phạm vi phân bố của loài đã lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước muốn được tận mắt nhìn thấy nó ở hoàn cảnh sống tự nhiên. Năm 1995, chuyên gia Averyanov và Nguyễn Tiến Hiệp đã tìm được Lan hài hồng trong rừng tự nhiên ở tỉnh Khánh Hòa.
Điều tra phân bố:
Dựa vào một số tư liệu, kể cả việc phỏng vấn một số người chuyên mua bán lan hài, quá trình điều tra tình trạng phân bố loài lan này tại Khánh Hòa diễn ra từ năm 2010, khi có vài nguồn tin đã tìm thấy ở vùng núi Vạn Ninh và Hòn Bà. Tuy nhiên, việc phối kiểm tại hiện trường đã không đem lại kết quả. Sau 2 năm truy tìm, đã phát hiện được một vị trí phân bố của Lan hài hồng, ở vùng núi thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Hình thái và sinh thái:
Lan hài hồng là một loài địa lan, có hình thái khá hấp dẫn ngay cả khi chưa ra hoa. Thường mọc thành bụi, gồm 5-7 lá hình xoan hẹp, xếp thành 2 hàng (song đính), dài 10-12 cm và rộng 3-4 cm. Lá có phiến dầy, màu xanh ở mặt trên với các vân đốm màu xanh đậm, mặt dưới có đốm màu tím. Phát hoa mọc thẳng, cao 20-25 cm, trục màu tía có nhiều lông trắng. Trục hoa mang 1, đôi khi 2 hoa. Hoa khá lớn, chiều rộng cở cm. Gồm 3 cánh, màu trắng hơi ửng hồng, có lông thưa: 2 cánh bên hơi tròn, cánh trên hình trứng. Môi màu hồng tím, dạng hình gần cầu, Đặc biệt, hoa khi nở có mùi thơm dịu. Nhị lép màu hơi tím, với một vệt rộng màu vàng tươi ở phía trên.
Xuất hiện ở cao độ khoảng 1.000m, thường mọc trên các tảng đá granite có rêu bám, gần suối. Thích hợp với điều kiện khí hậu ẩm mát, lượng mưa khoảng 2.000mm/năm. Nếu không bị các tác động phá hoại, có khả năng hình thành quần thể, khoảng 30-40 cá thể trong một khu vực.
Tình trạng bảo tồn:
Theo Sách đỏ Việt Nam 2007, Lan hài hồng phân bố ở Khánh Hòa (huyện Khánh Vĩnh), ở vùng giáp ranh với Lâm Đồng. Phân hạng bảo tồn: CR -rất nguy cấp- Nhưng gần đây, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, đã đề xuất lên mức EW – tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.
Lan hài hồng cũng đã được đưa vào nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ (Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Là loài đặc hữu rất hẹp của phía Nam dãy Trường Sơn, Lan hài hồng được ưa thích vì hoa đẹp duyên dáng, hài hòa với toàn bộ cây. Ngoài ra, loài này còn có giá trị lớn trong việc lai tạo các dạng hài đỏ mới. Trong số đó, có loài Lan hài Hồ Chí Minh nổi tiếng, được lai tạo từ Lan hài hồng và Lan hài Việt Nam (Paphiopedilum delenatii x P. vietnamense).
Việc truy tìm Lan hài hồng nằm trong nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng tỉnh Khánh Hòa”. Kết quả chỉ ghi nhận một quần thể còn hiện diện trong tự nhiên, nhưng dựa vào điều kiện sinh thái của khu vực, hy vọng vẫn còn một số quần thể khác tồn tại và sẽ được tiếp tục phát hiện. Vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững loài lan này cần được tiến hành một cách khẩn trương, trên cơ sở xác định hoàn cảnh sống của loài để từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể./.
Trần Giỏi & Lưu Hồng Trường
(Tạp chí Tài nguyên & Môi trường Khánh Hòa – 04/2012)