Câu chuyện thị trường carbon lâm nghiệp tại Việt Nam

Trong tương lai gần, doanh nghiệp có sản phẩm vượt định mức phát thải phải giảm phát thải và phải mua “tín chỉ carbon” để bù lại phần vượt hạn ngạch sau khi đã thay đổi công nghệ.

Gần đây cụm từ “chuyển đổi xanh”, “kinh tế phát thải thấp”, “giảm phát thải”, “thị trường carbon” xuất hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cụm từ này hình thành trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế để đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050 nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chính phủ đang yêu cầu các cơ sở sản xuất giảm phát thải.

Tín chỉ carbon sẽ trở thành một loại hàng hóa. Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon để cho phép các cơ sở phát thải cao mua tín chỉ carbon từ các đơn vị có mức phát thải dưới hạn ngạch cho phép hoặc/và từ các đơn vị thực hiện đầu tư tạo tín chỉ. Rừng có vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và hấp thụ carbon.

Tiềm năng thị trường carbon lâm nghiệp Việt Nam

Con số của EU cho thấy giai đoạn 1990-2020 thế giới đã mất đi 420 triệu ha rừng, tương đương 10 triệu ha mỗi năm. Khoảng 11% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là do mất rừng. 90% diện tích rừng bị mất là do rừng bị chuyển sang các diện tích trồng trọt và chăn nuôi.

Chống biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động bảo vệ và làm giàu rừng hiện được nhiều quốc gia áp dụng. Các sáng kiến này được vận hành thông qua thị trường tín chỉ carbon, vốn tồn tại theo hai hình thức bắt buộc và tự nguyện.

Thị trường bắt buộc được hình thành trong khuôn khổ của các công ước quốc tế về biến đổi khí hậu, vận hành khi các quốc gia phát triển trả tiền cho các quốc gia có rừng tự nhiên là rừng nhiệt đới, với lượng carbon được tạo ra bởi các hoạt động bảo vệ rừng được sử dụng để các quốc gia có rừng này hoàn thành cam kết giảm phát thải của mình.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trend. Ảnh: T.L.

Thị trường carbon tự nguyện vận hành khi các cá nhân, tổ chức thường là các tập đoàn sản xuất lớn toàn cầu tự nguyện thực hiện giảm phát thải trong chuỗi sản xuất của mình và mua tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án đầu tư tạo tín chỉ để bù đắp lại lượng phát thải sản sinh từ các hoạt động trong chuỗi.

Với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng. Một số tính toán cho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Chính phủ Việt Nam đang tham gia thị trường carbon bắt buộc, với cam kết giảm phát thải khu vực Bắc Trung Bộ, đổi lại là việc cung cấp 10,3 triệu tấn carbon và nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF) và dự kiến trong tương lai sẽ huy động được một nguồn tài chính tương đương từ Liên minh này thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam trung bộ.

Rừng của Việt Nam cũng có tiềm năng huy động được nguồn tài chính thông qua thị trường carbon tự nguyện. Hiện mối quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với các dự án carbon lâm nghiệp rất lớn. Tuy nhiên Chính phủ hiện chưa có các chính sách hướng dẫn về loại hình đầu tư này.

Chính phủ nên sớm ban hành các cơ chế, chính sách để kích hoạt thị trường này, nhằm huy động được nguồn tài chính từ carbon lâm nghiệp và tạo ra nguồn cung tín chỉ carbon, phục vụ cho giao dịch nội địa và trao đổi quốc tế.

Ai nên được hưởng quyền lợi từ carbon

Quyền carbon và chia sẻ lợi ích từ carbon giữa các bên liên quan đóng vai trò cốt lõi trong chính sách về thị trường carbon, đặc biệt là thị trường tự nguyện. Luật Lâm nghiệp của Việt Nam hiện quy định 7 nhóm chủ rừng, quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện nay. Phần dưới đây thảo luận về quyền carbon từ các nhóm chủ rừng có diện tích lớn, từ đó kiến nghị về cơ chế chia sẻ lợi ích từ carbon trong tương lai.

Các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổng diện tích rừng hiện được quản lý bởi nhóm này là khoảng 5,16 triệu ha, trong đó gần 4,49 triệu ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng được hình thành từ nguồn vốn Nhà nước. Quyền carbon đối với các diện tích rừng này là quyền của Nhà nước, được quản lý bởi Chính quyền trung ương hoặc địa phương.

Lợi ích thu được từ carbon trong tương lai từ các diện tích rừng này nên thuộc về Nhà nước, được dành cho các ban quản lý nhằm thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng. Đối với phần diện tích các ban quản lý thuê các hộ hoặc/và cộng đồng thuê khoán bảo vệ, lợi ích từ carbon nên được sử dụng để chi trả cho các hộ/cộng đồng này.

Luật Lâm nghiệp Việt Nam hiện quy định 7 nhóm chủ rừng, quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng. Ảnh: Duy Hiệu.

Các tổ chức kinh tế (công ty lâm nghiệp Nhà nước) hiện quản lý trên 1,6 triệu ha rừng, trong đó có khoảng 1 triệu ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Tương tự đối với rừng thuộc các ban quản lý, quyền carbon đối với các diện tích rừng thuộc các công ty lâm nghiệp là quyền của Nhà nước.

Lợi ích thu được từ carbon nên được giao cho các công ty nhằm bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Đây sẽ là nguồn thu quan trọng của các công ty này, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách dành cho hoạt động của các công ty lâm nghiệp phải quản lý các diện tích rừng tự nhiên lớn và không có nguồn thu, thường rất hạn chế. Lợi ích từ các diện tích rừng đang được giao khoán bảo vệ cho các hộ hoặc cộng đồng nên được trao cho hộ, cộng đồng.

Hộ gia đình, cá nhân hiện được giao quản lý, sử dụng 3,18 triệu ha rừng, bao gồm gần 1,3 triệu ha là rừng tự nhiên và gần 1,9 ha rừng trồng. Đối với các diện tích rừng tự nhiên, quyền carbon và lợi ích từ carbon đối với phần diện tích này thuộc về Nhà nước.

Tuy nhiên, do Nhà nước giao cho các hộ đảm nhận trách nhiệm bảo vệ phần diện tích này, hộ nên được hưởng phần lợi ích từ carbon. Điều này sẽ tạo động lực cho các hộ thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tốt hơn.

Đối với các diện tích rừng trồng được hình thành do hộ tự đầu tư, quyền các bon thuộc về hộ và hộ nên được hưởng toàn bộ lợi ích từ carbon đối với phần diện tích này.

Cộng đồng dân cư cũng đang được giao quản lý gần 1 triệu ha rừng, trong đó gần 90% là rừng tự nhiên. Quyền carbon của các diện tích này thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước giao cho cộng đồng bảo vệ các diện tích này, nguồn thu từ carbon nếu có nên được trao toàn bộ cho cộng đồng nhằm khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng tốt hơn.

Ủy ban Nhân dân xã hiện được giao quản lý 3,4 triệu ha rừng, trong đó có 2,1 triệu ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Phần diện tích này nên được giao cho cộng đồng và các hộ gia đình với mục đích bảo vệ và làm giàu rừng. Toàn bộ nguồn thu từ carbon nên được giao cho các cộng đồng hộ gia đình tham gia khoán bảo vệ và làm giàu rừng.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc huy động được một nguồn tài chính mới phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua sự vận hành của thị trường carbon lâm nghiệp. Chính phủ nên cân nhắc ban hành các cơ chế chính sách trong thời gian sớm, nhằm kích hoạt các dự án carbon lâm nghiệp, nhằm đáp ứng cả thị trường bắt buộc và tự nguyện.

Hiệu quả của các cơ chế, chính sách không chỉ phụ thuộc vào việc huy động kinh phí mà còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí này được sử dụng ra sao để có thể tối đa hóa hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng. Xác định quyền carbon, lợi ích và chia sẻ lợi ích từ carbon đóng vai trò quan trọng. Việc tối đa hóa hiệu quả cần đặt người dân và cộng đồng – là những người sống gần với rừng nhất – vào vị trí trung tâm trong việc hưởng lợi từ carbon trong tương lai.

 

Nguồn: znews.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *