THẢ RÙA BIỂN VỀ VỚI THIÊN NHIÊN

Trưa ngày 23/01/2023 (Tức Mùng 2 Tết Quý Mão), trong lúc đang vui chơi trên bãi biển Bãi Dài (Xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm , một nhóm du khách đã phát hiện một con rùa biển đang bơi vào bờ.
Chú rùa biển có màu sắc khá đẹp mắt, nặng cỡ gần 10kg, có khá nhiều hà bám trên mai. Có người nói chú rùa biển này thuộc loài đồi mồi, trước đây được nhiều người săn lùng mua với giá khá cao.
Sau khi dùng muỗng cạy sạch hà bám trên mai, các bạn đã thả chú rùa về với biển cả. Các bạn đã góp phần bảo vệ rùa biển – loài đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trong phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính phủ nước ta đã tham gia cam kết mang tính quốc tế về bảo tồn rùa biển được thể hiện các thỏa thuận quan trọng sau:
– Bản ghi nhớ về bảo tồn và bảo vệ rùa biển tại Đông Nam Á (gọi là Thỏa thuận Ghi nhớ ASEAN – MoU ASEAN). Có 09 quốc gia cùng tham gia ký kết gồm: Bruney, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippine, Singapore, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Văn kiện này được thực hiện tại Bangkok vào ngày 12/9/1997
– Bản ghi nhớ về bảo tồn và quản lý các loài rùa biển và môi trường sống của chúng tại Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (gọi là Biên bản Ghi nhớ Ấn Độ Dương-Đông Nam Á – IOSEA). Có 12 quốc gia tham gia ký kết gồm: Australia, Comoros, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Kenya, Mauritius, Philipin, Sri Lanka, Tanzania, Myanmar, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. Văn kiện này có hiệu lực từ ngày 01/9/2001.
– Công ước CITES. Chính phủ Việt Nam tham gia Công ước CITES vào năm 1994. Công ước Buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã bị đe dọa (CITES) là một thỏa thuận quốc tế giữa các nước nhằm đảm bảo việc buôn bán quốc tế các mẫu vật động vật, thực vật hoang dã không đe dọa sự tồn tại của chúng.
Ngoài ra, Chính phủ nước ta còn tham gia nhiều Công ước quốc tế khác có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường,…đã tạo ra khung pháp lý quan trọng vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý vừa tranh thủ tiếp nhận các hỗ trợ quý báu về tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và cho các loài rùa biển nói riêng là những nỗ lực của nước ta trong thời gian qua.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *