THÔNG TIN CÂY ME CÂY DI SẢN VIỆT NAM

I- THÔNG TIN CHUNG:

1- Tên cây thường gọi:    Me (Tamarindus indica L.)

2- Tên địa phương:          Me chua

3- Địa chỉ nơi có cây:       Đình Thủy Triều – Thôn Thủy Triều  – Xã Cam Hải Đông – Huyện Cam Lâm – Tỉnh Khánh Hòa

Hình 1: Đình Thủy Triều – cây Me che bóng ở phía sau  

II- THÔNG TIN CHI TIẾT:

1- Tuổi cây: Khoảng 300 tuổi

2- Giải thích cách xác định tuổi cây:

Theo ghi nhận của địa phương, khoảng năm Bính Tý (1756) một số ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đi thuyền ngược đầm Thủy Triều. Tại đây, họ quy tụ thành làng, sau đó dựng Đình để thờ Thành Hoàng. Theo các vị cao niên, lúc đó đã có cây Me lớn mọc phía sau Đình; như vậy đến nay cây Me khoảng trên 300 năm tuổi.

Dựa vào kích thước rất to của cây, chu vi đo ở 1,3 m là 6,1 m (D1,3: 2 m), với mức tăng trưởng bình quân về đường kính 0,6 cm/năm, cho thấy cây này có độ tuổi trên 300 năm.

Hình 2: Cây Me – nhìn từ phía trước

3- Chỉ tiêu đo đếm:  

Chu vi đo sát gốc: 6,5 m                   Tính ra đường kính gốc: 2,1 m

Chu vi đo ở 1,3 m: 6,1 m                 Tính ra đường kính D1,3: 2,0 m

Chiều cao cây: 24 m                          Tán lá rộng: 21 m

 

Hình 3 & 4: Cây Me  – nhìn từ hai bên hông

4- Đặc điểm hình thái và sinh thái:      

Cây gỗ lớn, thường xanh, vỏ dày nâu xám, tán lá xòe rộng. Lá kép lông chim 1 lần chẵn, mọc cách, khoảng 20 lá chét nhỏ hẹp, dài 2 cm. Lá kèm hình vẩy nhỏ, sớm rụng.

Hoa tự chùm, mọc ở đầu nhánh; đài màu trắng, cánh hoa màu vàng có gân đỏ. Quả bế, hình thuôn hơi dẹp, hơi cong và có ngấn; hạt đen cứng, phần nạt có vị chua, ăn được. Mùa hoa: tháng 5-7, mùa quả: tháng 8-10.

Hình 5 & 6: Hoa & trái non – Cây Me

Được trồng phổ biến nhiều nơi, đường phố hoặc công viên, đền chùa.

Gỗ cứng và bền, lõi có màu đỏ rất đẹp; dùng để đóng đồ gỗ và điêu khắc. Dân gian thường cưa thành tấm để làm thớt. Me còn là một loại thực phẩm phổ biến, sử dụng trái và lá non.

Theo y học cổ truyền, dùng trái me để điều trị sốt, cảm lạnh, viêm họng, khó tiêu, tăng cường miễn dịch (nhiều vitamin C)

5- Hiện trạng của cây:

Cây sinh trưởng bình thường, hàng năm vẫn ra hoa, trái.

6- Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử:

Đình Thủy Triều nằm trong khung cảnh phù hợp với công trình văn hóa tín ngưỡng, dưới tán cây Me cổ thụ và phía trước là đầm Thủy Triều. Chính cây Me đã gắn bó lâu đời với cộng đồng dân cư tại đây, cùng trãi qua những thăng trầm, theo dòng lịch sử của địa phương hàng trăm năm qua.

Đây còn là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Cam Lâm nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu tiềm năng. Đó là một minh chứng cho sự ra đời và phát triển của làng Thủy Triều suốt triều dài lịch sử, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà các bậc tiền nhân sáng tạo ra và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Điểm nổi bật nhất của đình Thủy Triều là hệ thống kiến trúc mang nét đặc trưng, với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của người Việt cổ xưa.

Hình 7 & 8: Khảo sát cây Me tại Đình Thủy Triều

(Hội Bảo vệ TN&MT Khánh Hòa và huyện Cam Lâm)

 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương. Giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đình là nơi Mặt trận Việt Minh tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Năm 2013, Đình Thủy Triều được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng “Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh”.

Nhiều năm qua, người dân địa phương luôn bảo vệ đình làng và chăm sóc tốt cây Me. Việc đề xuất công nhận cây Me là Cây Di sản Việt Nam còn thể hiện sự mong muốn chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tiềm năng đa dạng sinh học cho bán đảo Cam Ranh./.

III- THÔNG TIN KHÁC:

– Kèm theo hình ảnh minh họa

– Người lập hồ sơ: Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Thị Bích Nguyệt

(Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa)

 Nha Trang, ngày 11 tháng 09 năm 2020

      Xác nhận của đơn vị                                          Người đăng ký                                                                

 

 

 

XÁC NHẬN

HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MT. KHÁNH HÒA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *