THÔNG TIN CÂY CHAI LÁ CONG CÂY DI SẢN VIỆT NAM

I- THÔNG TIN CHUNG:

1- Tên cây thường gọi:    Chai lá cong (Shorea falcata Vidal)

Họ Dầu       Dipterocarpaceae

2- Tên địa phương:          Chai lá phảng, Sao lá cong, Sưng cát

3- Địa chỉ nơi có cây: Miếu Ấp Trung, Thôn Thủy Triều, Xã Cam Hải Đông, Huyện Cam Lâm, Tỉnh Khánh Hòa

Hình 1 & 2 : Cây Chai lá cong – nhìn bên cạnh và bên hông Miếu Ấp Trung  

II- THÔNG TIN CHI TIẾT:

1- Tuổi cây: Khoảng trên 250 tuổi

2- Giải thích cách xác định tuổi cây:

Theo người dân địa phương, cây Chai này hiện diện trước khi ngôi Miếu được thành lập vào khoảng năm 1800, như vậy có trên 200 tuổi.

Dựa vào kích thước khá to của thân cây, đường kính (đo ở 1,3 m) là 1,1m, với mức tăng trưởng bình quân về đường kính khoảng 0,4 cm/năm, cho thấy cây này có độ tuổi khoảng trên 250 năm.

Hình 3: Cây Chai lá cong bị cây Đa Sộp đeo bám

3- Chỉ tiêu đo đếm: 

Cụm cây Chai lá cong tại đây gồm 2 cây, mọc cách nhau khoảng 7m.

Hình 4: Hai cây Chai lá cong mọc cách nhau 7m

3.1- Đối với cây lớn:   

Chu vi đo sát gốc: 3,7 m                      Tính ra đường kính gốc (Dg): 1,2 m

Chu vi đo ở 1,3 m: 3,3 m                     Tính ra đường kính D1,3: 1,1 m

Chiều cao cây: 22 m                            Tán cây rộng: 19 m

Cây đứng: 1 thân – Thân nghiêng và bị bọng ở độ cao 2 m

Hình 5: Thân cây Chai lá cong (Cây lớn)

3.2- Đối với các cây nhỏ:

Chu vi đo sát gốc: 2,4 m                      Tính ra đường kính gốc: 0,8 m

Chu vi đo ở 1,3 m: 2,0 m                     Tính ra đường kính D1,3: 0,6 m

Chiều cao cây: 24 m

Cây đứng: 1 thân – Thân thẳng

Hình 6: Thân cây Chai lá cong (Cây nhỏ)

4- Đặc điểm hình thái và sinh thái:           

Cây gỗ lớn, thường xanh, vỏ dày nâu xám, nứt dọc; trong thân có tiết ra chai cục. Tán lá xòe rộng, lá đơn, mép nguyên, mọc cách, hình trứng, hơi cong, kích thước: 8-13 x 3-5 cm; mặt trên xanh lục, mặt dưới trắng bạc. Lá non có màu đỏ hồng; lá kèm hình bản nhỏ, sớm rụng.

Hình 7: Hoa – Chai lá cong  

Hoa tự: chùy, mọc ở nách lá; hoa mẫu 5, rộng 1 cm; tràng màu vàng có đốm đỏ, có lông tơ; hoa rất thơm. Quả hình trứng 1 cm; có 5 cánh (3 cánh lớn dài đến 6 cm và 2 cánh nhỏ dài 4 cm) do đài phát triển tạo thành; lúc non màu đỏ, khi chín màu nâu. Mùa hoa: tháng 6-7, mùa quả: tháng 9-10.

Hình 8: Trái – Chai lá cong

Cây Chai lá cong thường mọc thành quần thể tại bán đảo Cam Ranh. Hiện diện trong kiểu rừng khô hạn, trên các bãi và đồi cát trắng ven biển, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa 1.000 mm/năm. Là loài ưu thế, mọc chung với Gõ biển, Trâm quả to, Sao lá hình tim, Nhãn rừng,… Tái sinh hạt không nhiều, nhưng tái sinh chồi rất tốt.

Hiện tại, khu vực này đang bị tác động mạnh do phần lớn rừng ven bán đảo (xã Cam Hải Đông) đã bị các Dự án du lịch san ủi. Số cây còn lại rất ít.

5- Hiện trạng của cây: Cây sinh trưởng bình thường, hàng năm vẫn ra hoa, quả.

6- Giá trị về mặt văn hóa, lịch sử và khoa học:

Chai lá cong được nhà thực vật J.E.Vidal (người Pháp) thu mẫu đầu tiên tại bán đảo Cam Ranh và công bố năm 1962. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam.

Tình trạng bảo tồn:

+ Theo Danh lục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN, 2020) Chai lá cong được xếp vào mức “Rất nguy cấp” (CR), các quần thể của loài có phạm vi hạn hẹp và trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

+ Theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chai lá cong thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Phụ lục I).

Đây là nguồn gen quý, hiếm, có giá trị về mặt khoa học. Gỗ khá tốt, dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền và mộc dân dụng; thân cây tiết ra chai cục, trộn với nhựa dầu rái, dùng để xảm ghe thuyền đánh cá.

Đối với người dân xã Cam Hải Đông, phần lớn sống bằng nghề đánh cá, nên các cây Chai lá cong là hình ảnh thân quen đối với họ, các phương tiện đánh bắt (ghe và thuyền thúng) đều phụ thuộc vào cây Chai (cung cấp gỗ và chai cục). Đặc biệt, đối với Miếu Ấp Trung, do những người dân đầu tiên đến khai hoang và dựng lập, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Việc đề xuất công nhận cây Chai lá cong là Cây Di sản Việt Nam còn thể hiện sự mong muốn chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản đối với loài cây đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học cho bán đảo Cam Ranh.

III- THÔNG TIN KHÁC:

– Tài liệu tham khảo:  The IUCN Red List, 2020. Shorea falcata

– Người lập hồ sơ: Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Thị Bích Nguyệt

                                                      Nha Trang, ngày 11 tháng 09 năm 2020

      Xác nhận của đơn vị                                          Người đăng ký                                                                

 

 

XÁC NHẬN

HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MT. KHÁNH HÒA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *