TMO – Tôi có may mắn được chiêm ngưỡng Cụ Đa (tức cây đa cổ thụ) ở Thông Nông (Cao Bằng) cách đây ít năm, khi Cụ còn chưa được vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Đó là trong một chuyến công tác về Thông Nông, khi ấy chưa nhập với Hà Quảng như hiện nay.
Lần ấy, dù xuất phát sớm ở Hà Nội, nhưng đường xa, lại vượt nhiều đèo dốc, chúng tôi đến Thông Nông khá muộn. Chủ nhà mong khách, liên tục gọi điện hỏi thăm hành trình của đoàn công tác. Còn nhớ hôm ấy, trong cú điện thoại sau cùng, cô bạn dẫn đường trả lời đầy hồ hởi: Tới Cây Đa rồi. Nghĩa là chúng tôi đã tới đích, trung tâm thị trấn Thông Nông.
Ngay sáng sau, một trong những việc đầu tiên tôi làm là ra Ngã Ba, chiêm ngưỡng cây đa cổ thụ, tương truyền hơn 200 năm tuổi. Quả danh bất hư truyền. Cây đa cổ thụ vươn mình, tỏa bóng che mát cả một khu đất ngay trung tâm thị trấn. Dù đang tiết hè, không khí dưới tán đa xanh vẫn mát dịu. Ngoài giá trị của một cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo ra một vùng sinh thái trong lành cùng những giá trị về lịch sử, với người dân Thông Nông, Cây đa cổ thụ còn là một điểm hẹn, một cột mốc trong cuộc sống hằng ngày. Ở thị trấn miền núi này, mỗi khi có việc cần cùng đi đâu, người ta hay hẹn nhau ở Cây Đa. Như trường hợp đoàn chúng tôi hôm trước, đến Cây Đa cũng có nghĩa là tới Thông Nông, chủ và khách sắp tay bắt mặt mừng.
Chính vì vậy, khi nghe anh em bạn bè từ Thông Nông báo tin, Cụ Đa hơn 200 năm tuổi được tôn vinh, gắn biển Cây Di sản Việt Nam vào một ngày tháng 6 năm 2020 tôi đã đồng cảm, chia sẻ niềm vui của họ.Và cũng nhờ sự khảo sát của các nhà khoa học thuộc Hội đồng Cây di sản Việt Nam mà chiều kích của Cụ Đa Thông Nông được xác nhận. Chính xác là Cụ đã thọ trên 200 năm với chiều cao thân chính từ 30 – 35 m, chu vi thân chính 6,20m, đường kính 2,10 m, tán rộng 30 – 35m. Thân cây đơn, mọc thẳng đứng. Từ độ cao 4,50m có 2 cành to tỏa đều xung quanh, tươi tốt. Cây có nhiều rễ phụ từ độ cao 5 – 7m cắm thẳng xuống đất. Tương truyền xưa gốc đa có 20 tấm đá to được đục đẽo vuông thành, sắc cạnh, có khắc chữ chôn dưới đất, nhưng trải qua năm tháng đã thất lạc, nay còn 1 tấm có hình khắc cánh sen rất đẹp.
Chụp ảnh lưu niệm bên “Cụ Đa” di sản (ngày 23/6/2020, cũng là ngày chính quyền địa phương long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký Quyết định công nhận).
Theo Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, việc tôn vinh cây đa cổ thụ thị trấn Thông Nông là Cây di sản Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân địa phương trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học khu vực Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Duyên nợ là vậy, nên trong chuyến công tác về Thông Nông đầu tháng Tư vừa qua, dù quỹ thời gian khá hạn hẹp tôi nhất quyết phải đến thăm Cụ Đa. Đang là cuối xuân đầu hạ, mùa đâm chồi nảy lộc của cỏ cây cùng vạn vật nên dù có tuổi trên hai thế kỉ, Cụ Đa vẫn hừng hực sức sống với tán lá rộng, khỏe mạnh in trên nền trời xanh. Dù ở giữa trung tâm thị trấn với những dãy nhà, các cửa hàng, cùng mọi loại dịch vụ, đông đúc người xe qua lại, nhưng tán lá rộng hàng trăm mét vuông của Cụ đa di sản đã mang lại cả một khoảng xanh, làm vợi đi những ồn ào, náo nhiệt của nơi phố thị. Vẫn như bao năm trước, đây vẫn là điểm hẹn của mọi cuộc đến đi nơi thị trấn miền núi này. Bên dưới bóng đa, những chuyến xe vẫn đón khách đi Cao Bằng, Hà Nội… Và khách đến vẫn bảo: Đến Cây Đa rồi. Cụ Đa với những cành lực lưỡng vươn ra từ gốc chủ hàng trăm tuổi vẫn đang tỏa bóng, che chở cho cuộc sống an lành của người dân nơi đây. Hàng ngàn, hàng vạn mắt lá xanh biếc trong nắng sớm như reo vui cùng khung cảnh bình an.
Thật vui khi Cụ Đa hơn 200 năm tuổi đang sống khỏe giữa một vùng đông đúc của thị trấn miền núi tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, không khỏi còn những băn khoăn nhất định. Nỗi băn khoăn đó xuất phát từ vị trí tọa lạc của Cây Đa di sản này. Nằm ngay trung tâm thị trấn, điểm giao cắt đường đi một số xã của huyện Hà Quảng,Cụ Đa ở vào một vị trí đắc địa, thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc, bảo tồn và phát huy giá trị của Cây Di sản. Song, ở vị trí này, Cây Đa trăm tuổi cũng không tránh khỏi những tác động không có lợi cho sự sinh trưởng từ những các động của con người, dù đôi khi là những tác động với mong muốn tốt đẹp. Đơn cử như trong lần về thăm vừa qua, tôi thấy những dây đèn nhấp nháy, loại thường dùng cho những cây thông nô- en hay các quán cà phê được mắc trên lớp vỏ xù xì của gốc đa, vốn đã mang vẻ đẹp tự nhiên, tạo cảm giác như ngắm người già khoác y phục của đám trẻ choai choai…Xung quanh gốc cây, bên tấm bia vinh danh Cây di sản, khá nhiều chậu cây cảnh, chắc được đặt để làm đẹp thêm khung cảnh nơi đây, nay cây đã khô, chết nhưng không được dọn dẹp. Tất cả, vô tình đã làm xấu hình ảnh Cụ Đa hàng trăm tuổi. Đó là chưa kể những tác động tiêu cực khác.
Theo Hội Đồng Cây di sản Việt Nam, tính đến tháng 12/2021 Cao Bằng đã có 18 cây cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam. Bảo vệ, phát huy giá trị vốn tài nguyên quý báu ấy là chủ trương chung của tỉnh Cao Bằng cũng như những địa phương có cây di sản. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi khi tọa lạc ở trung tâm thị trấn, việc bảo tồn Cây Đa Di sản ở Thông Nông xem ra cũng gặp những khó khăn mà những Cây di sản nằm trong các Khu di tích lịch sử bên các đền thờ, chùa chiền, như trường hợp cây nghiến ở Pác Bó, cây sấu trong khu rừng Trần Hưng Đạo…không gặp phải. Điều kiện đó đặt ra yêu cầu việc bảo tồn, tôn tạo phải phù hợp, có khoa học thì mới gìn giữ phát huy được giá trị của Cây Di sản. Đó cũng là điều mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi đây cần quan tâm.