SÓNG AN BANG
An Bang là đảo nổi cực nam trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có toạ độ 07052’00” vĩ độ bắc, 112054’30” kinh độ đông. Ai từng đến An Bang đều choáng ngợp trước những con sóng quanh đảo nhỏ.
Sóng An Bang rất khác thường. Nó không phẳng lặng như sóng Vịnh Hạ Long hay biển Hà Tiên; không đều đều cạn cợt như sóng Sầm Sơn, Cửa lò, Đại Lãnh, Dốc Lếch. Nó không xô bồ, ồ ạt nhưng đơn điệu như sóng biển Mũi Né, La Gi. Nó không yên bình như sóng biển Nha Trang, Ninh Chữ. Nó không giống bất cứ con sóng nào ở các bãi biển của đảo Lý Sơn, Hòn Tre, Phú Quý, Côn Sơn, Phú Quốc. Đối với “người anh em” – đảo Trường Sa Đông, nó cũng không giống nốt. Sóng Trường Sa Đông tuy cũng rất mạnh mẽ nhưng đều đặn và có mùa. Còn ở Đảo An Bang, sóng thật dữ dội, trùng trùng lớp lớp sóng bạc đầu vây quanh đảo nhỏ. Hầu hết ở các vị trí tiếp bờ, ở bất cứ mùa nào trong năm đều vậy. Sóng An Bang cồn cào, gào thét, xô đẩy nhau từ phía trước, bên trái, bên phải của mỗi điểm mạn bờ. Thế hỗn chiến giữa những luồng sóng tạo nên muôn muôn cồn sóng ngất nghểu ba, bốn, năm, sáu mét vây quanh đảo. Trong quá trình “giao chiến”, các cồn sóng biến đổi không lường, hình ống cuốn, hình cung quạt, hình quả trám và rất nhiều hình kim tự tháp. Cạnh những cồn sóng là những bụng sóng dạng lòng chảo, lòng thuyền hay rãnh sầu riêng sâu hút hoác đầy đe doạ, bất trắc. Sóng ở đây không chỉ có ngọn, có bụng mà còn có những nanh vuốt như chực ăn tươi, nuốt sống những ai, những phương tiện nào muốn ra vào Đảo.
Cũng là điều rất lạ khi chính những con sóng tưởng như bất trị ấy lại tạo ra một bờ bãi di động đẹp tuyệt vời với diện tích dao động từ 1.500m2 đến 2.000m2. Bãi cát ấy tựa như tiên nữ luôn độ xuân thì, dù hay đỏng đảnh nhưng biết tự làm mới và biết thuận theo quy luật của thiên nhiên sóng nước, dòng chảy của biển nơi đây. Mỗi năm, “nàng” vừa biến đổi hình dạng vừa đi quanh đảo một vòng theo chiều kim đồng hồ. Tuần tự tháng một nàng ở hướng đông, tháng tư hướng nam, tháng bảy hướng tây, tháng mười hướng bắc. Nàng tiên cát vàng còn biết cách xoa dịu phần nào bản tính hung tợn của sóng biển ngay trước mặt mình. Do vậy mà trong khoảng bủa vây của muôn trùng sóng hiểm quanh Đảo, thông qua bãi cát nhu mì mỗi ngày có khoảng 2-3 giờ đồng hồ sóng hé mở cung biển khoảng 50 mét tương đối dễ chịu hơn những nơi khác. Những người lính đã biết tận dụng điều này để giảm bớt nguy hiểm khi cho xuồng nhỏ cập bờ, bảo đảm lưu thông giữa đảo với bên ngoài.
Những điều đặc biệt đó của sóng An Bang góp phần tạo nên tính cách độc đáo của cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ nơi đây, họ rất kiên cường và linh hoạt, có sức khoẻ dẽo dai bền bỉ, biết cách khắc phục và vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; biết cảm thông, chia sẽ với mọi người và rất hiếu khách. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng để đơn vị Đảo nhiều năm đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, và từng đạt Huân chương Chiến công.
Sóng dữ An Bang làm cho mỗi vật phẩm khi đến đây có ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả các thước đo vật chất, bởi việc vận chuyển hàng đến đảo không chỉ mang nặng công sức và tốn kém về thời gian gấp bội phần mà còn hàm chứa trong đó tình cảm, trí tuệ, lòng dũng cảm, sự phối hợp nhịp nhàng và cả đức hy sinh của những người tham gia đưa, đón hàng vào bờ. Những người lính vận tải xuồng nhỏ phải tập trung cao độ, lựa thế, lèo lách vượt qua trùng trùng quái sóng để đưa hàng từ tàu lớn tiếp cận bờ đảo an toàn. Trên đảo những người lính bơi lội giỏi được tổ chức thành đội, phụ trách việc đón đưa khách và các chuyến hàng. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hay đẩy xuồng xuống biển đi ra tàu lớn, những người lính “cảm tử” phải biết chớp thời cơ theo từng con sóng để kéo xuồng lên hoặc đưa xuồng ra mà không gặp rủi ro cho cả người và hàng. Cẩn thận và mưu trí là thế nhưng cũng đã có chuyến hàng vật liệu xây đảo bị một luồng sóng dữ bất ngờ phủ chụp, nhấn chìm mất dấu trong mùa tháng tư biển lặng.
Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đoàn khách đến thăm An Bang, các đơn vị hải quân thường bố trí các chuyến tàu có khách thăm đảo trong thời gian sóng yên bể lặng, thường từ tháng hai đến tháng bảy. Tuy nhiên trong thời gian ấy, việc cập bờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Đã từng có những chuyến tàu vượt hàng trăm hải lý, chở các đoàn khách dân chính đảng ra thăm, tặng quà cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trên Đảo, nhưng không thể nào cho xuồng cập bờ. Thương anh em lính Đảo lắm, muốn trực tiếp tay bắt mặt mừng, thăm hỏi từng người, nhưng khách và chủ đành ngậm ngùi vẫy tay nhau tạm biệt, hẹn tái ngộ dịp sau, quà tặng của đất liền đành đến muộn. Có lần chuyến tàu đưa đoàn văn công ra biểu diễn phục vụ bộ đội, nhưng không thể đi xuồng nhỏ đến bờ, đành buông neo, qua hệ thống bộ đàm kết nối với loa để hát cho bộ đội Đảo nghe, rồi chia tay.
Không chỉ có dữ dội, đe doạ và tàn phá. Sóng An Bang còn là trường ca yêu đời của tuổi trẻ. Tiếng sóng vỗ dồn dập, miên man ngày đêm không làm người ta buồn mà giục ta tỉnh táo khi canh gác, trực chiến. Khi sinh hoạt đồng đội, sóng tạo âm thanh rộn rã, hoà cùng tiếng ghi ta trầm hùng làm nền cho những buổi liên hoan của những người chiến sĩ nơi đảo xa thêm hào hứng, lắng sâu. Có chiến sĩ vừa xuất ngũ, xa Đảo tâm sự: “tôi đã được rèn luyện và trưởng thành trên An Bang, sóng gió và cuộc sống quân đội ở nơi đây đã dạy tôi nhiều đức tính. Khi về đất liền chắc là tôi nhớ tiếng sóng An Bang lắm!”.
Giữa mênh mông biển trời xanh thẳm, cạnh những con sóng bạc đầu trắng xoá, trên dãi cát vàng rực rỡ điểm xuyết nhiều màu tím rất lạ, rất trong, ẩn hiện trong những vỏ sò, vỏ ốc, đá cuội san hô được sóng tung lên bãi. Những màu tím nao lòng ấy tôn thêm vẻ đẹp lãng mạn, dịu dàng của bãi cát vàng tiên nữ. Một số chiến sĩ xuất ngũ, trước khi rời đảo đã làm một vài kỷ vật từ vỏ ốc, sò, đá cuội để tặng người yêu, vậy là họ đã đem tâm hồn sóng biển đến với đất liền. Ơi những người yêu của lính, hãy áp món quà tặng của biển vào ngực mình để cảm, để nghe tiếng sóng đảo An Bang, nghe được tiếng lòng của người lính biển kể về biển đảo, về tình yêu và tương lai đôi lứa.
Mai sau, con cháu chúng ta sẽ xây những thành phố nổi trên quần đảo Trường Sa. Lúc ấy đảo An Bang sẽ là chặng dừng chân lý thú để du khách có thể chiêm ngưỡng, trò chuyện cùng sóng nước An Bang.
Bửu Sơn
(Ghi chép từ Trường Sa)