NGƯỜI VIỆT NAM GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, thờ cúng Tổ tiên mà biểu hiện cao nhất, rõ nhất được thể hiện qua việc lập Đền thờ và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm không chỉ ở nhiều nơi trong nước mà còn khắp các cộng đồng người Việt Nam trên thế giới. Đây là sự thể hiện tập trung, sâu sắc về lòng biết ơn của người dân Việt Nam đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước, được trao truyền từ xa xưa cho đến hôm nay và còn mãi đến muôn đời sau. Đây là điểm hội tụ tâm linh, là bản sắc văn hóa đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị tinh thần của cộng đồng người Việt Nam, là nguồn sức mạnh bất khuất giúp cho dân tộc Việt Nam đoàn kết, yêu thương, đùm bọc cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước Tiên Rồng, giữ gìn sự thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.
Hiện nay, trên cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức dân tộc về cội nguồn đất nước, từ đó hun đúc ý chí tự cường và tinh thần độc lập tự chủ tiếp nối nhau chưa bao giờ ngưng nghỉ, là giá trị cốt lõi của dân tộc về chủ quyền độc lập, thống nhất: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” (Lý Thường Kiệt), và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được” (Hồ Chí Minh).
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng mỗi con người và dân tộc Việt tới chân – thiện – mỹ, tới sự cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Thông điệp văn hóa tâm linh đó được hàm chứa trong lối kiến trúc của các công trình thờ phụng (lăng, đền, đình, miếu…), trong thực hành tín ngưỡng (nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục…) và trong các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian (dân ca, ca dao tục ngữ, diễn xướng, rối nước…).
Hằng năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao Tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đây là cuộc hành hương của những người đại diện Quốc gia, đại diện mỗi gia đình dân Việt hầu mong kết nối sức mạnh của truyền thống ngàn xưa với hiện tại.
Truyền thống tôn thờ Hùng Vương thể hiện sự nhận thức sâu sắc, thiêng liêng về sự kính ngưỡng của người dân Việt với Tổ tiên, với lịch sử.
Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các di chỉ khảo cổ và truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Hệ thống các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Rền, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng, Nha Chương như trống đồng, rìu, mũi tên… Cùng với đó là các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các lễ hội dân gian Rước Vua về làng ăn Tết, Rước Chúa gái, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan… cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ với Nhà nước Văn Lang cổ đại – trung tâm khởi phát của người Việt cổ, mà Phú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình tiếp nối, đan xen giữa lịch sử và huyền thoại.
Ngọc phả Hùng Vương (1470) chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418 – 1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích). Ở đây Nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.
Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tài lực tu sửa, tôn tạo Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng… Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm nhà nước đứng ra tổ chức Quốc lễ Giỗ Tổ tại Đền Hùng, các năm còn lại do địa phương tổ chức. Vua Khải Định năm thứ 2 (1917), ấn định Quốc lễ vào ngày 10 – 3 âm lịch hàng năm, cả nước làm lễ tế Vua Hùng. Bộ Lễ quy định chặt chẽ, cụ thể các phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong ngày Giỗ Tổ. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm trong các ngôi đền trên núi Hùng, phần hội gồm nhiều trò diễn dân gian diễn ra xung quanh chân núi Hùng. Từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 đã trở thành ngày Giỗ Tổ của cả nước “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước quan tâm giữ gìn Đền Hùng và truyền thống thờ cúng các Vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về thăm viếng, dâng hương Đền Hùng. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL, theo đó cho phép “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở” dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày và “có quyền được hưởng lương”.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngày nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi…), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hóa cội nguồn. Người dân ở địa phương có đền, miếu, đình thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.
Các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Rất nhiều nơi lập đền thờ Hùng Vương, những nơi không có điều kiện thì lập bàn thờ Tổ tiên, có thờ Hùng Vương. Thường khi lập nơi thờ tự Vua Hùng, người Việt ở đó sẽ cung thỉnh chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về để nối mạch thờ cúng Tổ tiên với mong ước tiếp nhận sự trao truyền uy linh của Tổ tiên từ đất Tổ Phú Thọ, cầu mong Tổ tiên phù hộ, tiếp sức xây dựng quốc gia, dân tộc sự phồn vinh, thanh bình, hạnh phúc.
Từ năm 2019, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức ở nhiều nước, trong cộng đồng người Việt Nam (phối hợp tổ chức thống nhất Ngày Giỗ tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) và trở thành hoạt động thường niên của người Việt Nam trên toàn thế giới. Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu là hoạt động tăng cường sự gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là dịp để con cháu Lạc Hồng trên khắp thế giới hướng về cội nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi các giá trị văn hóa, lịch sử của Tổ tiên trao truyền; là một cách thức giữ gìn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên phạm vi quốc tế; là nhịp cầu kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới.