Đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái Nha Trang – Các giải pháp quán lý nguồn nước

Đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái Nha Trang – Các giải pháp quán lý nguồn nước

     Nước là một nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống và sức khoẻ của con người, và là một phần quan trọng của hệ sinh thái. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng gia tăng của các khu đô thị, công nghiệp, công trình thủy lợi, nhà máy và các công trình sử dụng nước khác.

     Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lưu vực Sông Cái Nha Trang là lưu vực sông lớn nhất với tổng diện tích 2.000km2, bao gồm huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, thành phố Nha Trang và 160km2 thuộc huyện Mađrắc tỉnh Đắc Lắc. Toàn lưu vực có tổng dân số: 561.712 người, trong đó dân số TP Nha Trang chiểm 69.8% dân số toàn lưu vực và là nơi trung tâm kinh tế – văn hoá – xã hội của tỉnh Khánh Hoà. Nguồn nước trên lưu vực sông Cái Nha Trang có tầm quan trọng đặc biệt ngoài việc cung cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên lưu vực, còn là nguồn nước chính cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt cho dân số trên toàn lưu vực và ngành Du lịch của thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, hiện nay những công trình đầu nguồn như hồ chứa, công trình thủy điện được xây dựng thêm, quá trình xả thải nước sinh hoạt, nước sản xuất, đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên cung cấp nước cho hạ lưu. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái Nha Trang là vấn đề cần thiết và thực sự có ý nghĩa thực tiễn.

Theo tổ chức Hội nước quốc tế (IWRA) nước nào có có mức đảm bảo nước cho người dân trên một năm nhỏ hơn 4.000m3/người thì nước đó thuộc loại thiếu nước và nếu nhỏ hơn 2.000m3/người thì thuộc loại hiếm nước, như vậy so với tiêu chuẩn trên  thì lưu vực sông Cái nghèo về nước. Vì vậy các biện pháp giữ nước, tiết kiệm nước, sử dụng nước một cách hợp lý là hết sức cần thiết.

 Tài nguyên nước mặt: Nguồn nước cung cấp cho lưu vực sông Cái chủ yếu là mưa. Nước mưa rơi xuống mặt đất, một phần bốc hơi trở lại khí quyển, phần còn lại sinh ra dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm cung cấp cho sông, suối rồi đổ ra biển. Mạng lưới sông ngòi trên lưu vực Sông Cái phân bố khá dày, độ dốc lưu vực khá lớn có khả năng tập trung nước nhanh. Sông Cái Nha Trang có tiềm năng lớn về thủy lợi và thủy điện (với tổng lượng dòng chảy năm xấp xỉ 2,11 x109 m3). Lượng dòng chảy năm phân bố không đều cho các tháng, tập trung trong 4 tháng mùa lũ chiếm khoảng từ 60% – 65 % lượng dòng chảy cả năm, lượng dòng chảy 8 tháng mùa cạn chỉ chiếm khoảng từ 35% – 40% lượng dòng chảy cả năm, gây bất lợi cho nhu cầu dùng nước trong mùa cạn. Phần lớn nước trong mùa lũ bị hao phí, chảy ra biển.

Chất lượng nước ở một số sông suối có nguy cơ ô nhiễm cao như trên sông Cái đoạn nhà máy nước Võ Canh, cầu Sắt Nha Trang, một số chỉ tiêu như TSS, HC, coliform đã vượt quy chuẩn cho phép. Ở khu vực cửa sông Cái nước thường bị nhiễm mặn.

Với lượng dòng chảy 2,11km3 thì trung bình mỗi người dân trong lưu vực được 3.653m3/năm chỉ bằng 28,1% mức trung bình toàn quốc (13.000m3/người.năm) và mức trung bình của thế giới (12.900m3/người.năm).

Hình 1: Bản đồ vị trí các điểm lấy mẫu nước mặt

Trữ lượng nước dưới đất: Các loại trữ lượng nước dưới đất được đánh giá bao gồm: trữ lượng động tự nhiên, trữ lượng tĩnh, trữ lượng khai khác tiềm năng, trữ lượng khai khác dự báo.

  Trữ lượng khai khác tiềm năng: Trữ lượng khai khác tiềm năng là lưu lượng nước dưới đất có thể thu nhận được bằng hệ thống công trình khai khác nước hoạt động thường xuyên, liên tục, hợp lý về phương diện kinh tế – kỹ thuật, dưới một chế độ khai khác được ấn định và chất lượng nước thoả mãn các yêu cầu đặt ra trong suốt thời hạn cung cấp nước.

 – Trữ lượng tĩnh: Trữ lượng tĩnh của nước dưới đất là phần thể tích nước (m3) nằm dưới mực nước tĩnh của tầng chứa nước không có áp hoặc là toàn bộ thể tích nước trong tầng chứa nước có áp.

 – Trữ lượng động thiên nhiên: Trữ lượng động thiên nhiên là lưu lượng chảy qua một diện tích mặt cắt ngang của tầng chứa nước trong trạng thái tự nhiên

  Trữ lượng khai khác dự báo: Để đánh giá khả năng khai khác thực tế của một vùng không thể sử dụng con số trữ lượng bình quân chung cho cả một tỉnh hay một lưu vực, mà phải tính toán giá trị trữ lượng dựa trên đặc điểm của các tầng chứa nước mỗi vùng. Giá trị trữ lượng đó được gọi là trữ lượng khai khác dự báo của vùng.

Căn cứ vào kết quả điều tra địa chất thuỷ văn các tầng chứa nước, trữ lượng nước dưới đất được tính toán theo diện tích các địa phương trên lưu vực sông Cái Nha Trang cụ thể như trong bảng 2.

Hình 2: Bản đồ vị trí các điểm lấy mẫu nước ngầm

Như vậy qua đánh giá tài nguyên nước dưới đất ta thấy: trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của các tầng chứa nước chính ở lưu vực sông Cái ước tính khoảng 311.421,69 m3/ngày, có thể sử dụng để cấp nước với công trình khai thác tập trung quy mô vừa, năng suất khai thác phải phù hợp với trữ lượng khai thác triển vọng của từng khu. Ngoài ra, các tầng chứa nước khác như các tầng chứa nước Jura, Kreta cũng có thể sử dụng cấp nước quy mô nhỏ đến vừa bằng các công trình khai thác tập trung hay các giếng khoan riêng lẻ cách biệt với nhau.

Để mở rộng khả năng khai thác, sử dụng nước dưới đất cho các vùng kinh tế trong lưu vực, cần phải nâng cao năng suất khai thác nước dưới đất, mở rộng các bãi giếng khai thác nước hiện tại, phát triển thêm những bãi giếng mới nhằm tăng cung lượng nước dưới đất trong tổng cung lượng nước cấp cho các đô thị, thị tứ. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy hoạch tổng thể đã được duyệt. Tuy nhiên, cần tiến hành khai khác nguồn nước dưới đất một cách hợp lý đối với từng khu vực cụ thể nhằm giảm các nguy cơ nhiễm mặn, hạ thấp mực nước gây cạn kiệt và sụt lún đất.

     ​Biện pháp quản lý nguồn nước

Đối với các đoạn sông, mương bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp như: nhà máy nước Võ Cạnh, Thanh Minh, cầu Sắt, cống Diên Toàn. Đây là những khu vực có các giá trị TSS, HC và Colifom đều vượt quy chuẩn. Các khu vực này bị ảnh hưởng trực tiếp chất thải từ các hoạt động công nghiêp, nông nghiệp (chế biến thực phẩm, chăn nuôi..). Các nhà máy, xí nghiệp và các làng nghề thải ra môi trường lượng lớn chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng này trước hết các cơ quan chức năng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, đo nồng độ các chất thải độc hại trong nước thải của các cơ sở sản xuất, nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời các ban ngành có liên quan rà soát quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, làng nghề để quản lý các nguồn thải, bắt buộc các cơ sở sản xuất phải có khu sử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu không có khu xử lý nước thải.

Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn về môi trường

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các nhà máy, khu công nghiệp không xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường.

Tăng cường đổi mới thiết bị máy móc trong công nghiệp để làm giảm việc sử dụng nguồn nước sạch và có thể tái sử dụng nước thải để sản xuất làm cho nguồn nước sạch được sử dụng có hiệu quả nhất.

Trong chăn nuôi: không thải trực tiếp ra môi trường mà xây dựng khu sử lý như xây dựng các bể biogas vừa để chứa chất thải vừa lấy khí sinh học sử dụng.

Trong nông nghiệp: thay thế thuốc trừ sâu được sản xuất theo công thức hoá học bằng thuốc trừ sâu sinh học ít độc hại cho môi trường hơn.

Xây dựng mạng quan trắc động thái nước dưới đất nhằm theo dõi sự biến đổi trữ lượng và chất lượng của nước dưới đất, phục vụ cho khai thác sử dụng hợp lý và quản lý lâu dài nguồn tài nguyên này.

Xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác, xây dựng công trình thuỷ lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm để bảo vệ tài nguyên nước.

Quản lý tốt nguồn nước và các biện pháp tưới phục vụ cho nông nghiệp.

Quản lý chặt chẽ và tiết kiệm tưới nước cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hoá và kiên cố hoá kênh mương.

Nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học vừa tiết kiệm nước, vừa nâng cao năng suất cây trồng: lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng rau màu tại các địa phương khan hiếm về nguồn nước. Tăng cường nghiên cứu các giống rau màu chịu hạn.

Chính quyền địa phương các huyện có biện pháp bảo vệ tốt rừng đầu nguồn, cần có quy hoạch một cách hợp lý các công trình thuỷ lợi, hồ chứa vừa đảm bảo tích trữ nguồn nước sử dụng cho mùa khô vừa bổ sung nguồn nước cho các tầng chứa nước ngầm nhưng cũng đảm bảo không tàn phá một diện tích lớn rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

Cần điều tra, đánh giá hiện trạng nước bề mặt ở các ao hồ, sông suối nhỏ và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên nước mặt hợp lý, tiết kiệm. Tận dụng nguồn nước mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất bằng cách thu nước trên mái nhà, dự trữ nước mưa trong các bể chứa, lu, vại….(chú ý đảm bảo vệ sinh).

Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường các lưu vực sông, hồ. Nâng cấp các  công trình khai khác và sử dụng nước, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chống xâm nhập mặn và giữ nước ngọt.

Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất nhằm giảm thiểu sự cạn kiệt và suy giảm chất lượng nước dưới đất. Cần quản lý tất cả việc khai khác nước và điểm khai khác nước thông qua chương trình cấp phép, giám sát và bắt buộc thực hiện theo giấy phép.

Xây dựng mạng quan trắc động thái nước dưới đất nhằm theo dõi sự biến đổi trữ lượng và chất lượng của nước dưới đất, phục vụ cho khai thác sử dụng hợp lý và quản lý lâu dài nguồn tài nguyên này.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật về tiêu thoát nước đô thị và nông thôn./.

ThsNguyễn Hồng Trường –  Đài KTTV Khu vực Nam Trung Bộ

ThsTừ Thị Năm  Đại học Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *